Trong lịch sử
phát triển, con người vốn còn phần “con” của loài dã thú nên đã tham ác trong
cuộc đấu tranh sinh tồn, hiện hữu trong xã hội trước kia là quy luật chiến
thắng thuộc về kẻ mạnh, kẻ ác. Bản chất hoang dã đó được thể hiện rất rõ trong
giai đoạn đầu của Chủ nghĩa tư bản mà chúng ta được xem nhiều qua văn chương và
phim ảnh. Vì thế mà loài người thấy cần có một sự công bằng, đó chính là tính
chất cơ bản nhất của CNXH. John Ball, một trong những lãnh đạo của cuộc
khởi nghĩa nông dân ở Anh vào năm 1381, được coi là người có tư tưởng chủ
nghĩa xã hội đầu tiên, đã nói câu nói nổi tiếng: "When Adam delved and Eve
span, Who was then the gentleman?" (Khi Adam đào đất và Eve quay sợi,
Thì ai là chủ đây?). Suốt thời kỳ Khai sáng trong thế kỷ 18,
sự phê bình về bất bình đẳng đã xuất hiện trong tác phẩm của những nhà lý luận
như Jean Jacques Rousseau ở Pháp,
tác phẩm Du contrat social (Hợp đồng xã hội) của ông bắt đầu với "Con
người được sinh ra tự do và đâu đâu anh ta cũng ở trong xiềng xích". Trong
thế kỷ 19, cụm từ "chủ nghĩa xã hội" thường được các nhà phê
bình xã hội châu Âu nói chung dùng để phê phán chủ nghĩa tư bản. Cứ thế
dần dần các nhà tư tưởng đã khái quát lại thành hệ thống lý luận của chủ nghĩa
xã hội, đấu tranh cho một xã hội công bằng. Những người theo Chủ nghĩa Xã
hội đã tự hình thành nhiều nhánh khác nhau, riêng chủ nghĩa Mác- Lênin thì cho
Chủ nghĩa Xã hội là giai đoạn nằm giữa quá trình từ Chủ nghĩa Tư bản tiến lên
Chủ nghĩa Cộng Sản. Một số trường phái Chủ nghĩa Xã hội vẫn chấp
nhận đa nguyên về chính trị nhưng vẫn tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng
chính sách thuế và an sinh xã hội.
Như vậy, Chế
độ XHCN phải tốt đẹp hơn Chế độ Tư Bản CN, là sự phát triển tất yếu của nền văn
minh. Chủ nghĩa Tư Bản hoang dã đã phát triển vô độ thành Chủ nghĩa Đế quốc,
gây ra hai cuộc Đại chiến Thế giới I và II. Khi chiến tranh chấm dứt, những
nước chiến thắng lại chia phe, Mỹ đứng đầu một bên và Liên Xô đứng đầu một bên.
Vì bị chính trị hóa, các “phe” thường tự nhận, tự gán cho nhau những khái niệm
chế độ không hoàn toàn đúng với bản chất đích thực của nó. Thực tế đến nay
không có nước nào tuyệt đối là một chế độ theo đúng định nghĩa của lý thuyết.
Đến Liên Xô từng coi mình là “Thành trì XHCN” nhưng thực tế cơ chế vận hành xã
hội còn mang nhiều tính chất của xã hội phong kiến. Như thời Brezhnev khi là
TBT đã củng cố vị trí bằng cách buộc Podgorny nghỉ hưu để đồng thời làm Chủ
tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, tương đương với chức vụ của
một tổng thống, là người thống trị ban lãnh đạo từ năm 1977 trở về sau. Ông ta
tự phong mình làm Nguyên soái Liên Xô và được nhận danh
hiệu Anh hùng Liên Xô tới 4 lần. Như vậy Brezhnev đúng là một ông vua kiểu
mới và như một số sự phê phán, thực chất nhà nước Liên Xô là nhà nước mang hình
hài XHCN nhưng máu chảy trong đó còn là máu phong kiến. Cũng chính vì thế mà nó
đã vỡ tan tành. Còn Mỹ và các nước phương Tây thực ra là “được” phe XHCN gán
cho theo CNTB. Nhưng thực tế, để tồn tại và phát triển, nhiều tính chất xấu xa
của Chủ nghĩa Tư Bản hoang dã đã đã được điều chỉnh. Như Wikipedia viết: “Lý
tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp
hơn để được xã hội loài người chấp nhận”. Nhiều chính sách an sinh xã hội tại
Mỹ và các nước phương Tây hướng về cộng đồng rõ ràng là mang tính chất của CNXH
mà thời CNTB hoang dã không thể có. Cùng với nền tảng phát triển sẵn có, họ đã
là “phe” thắng thế, được thế giới gọi là các nước phát triển, còn họ thì tự coi
mình là thế giới tự do, dân chủ. Nhưng dù vậy tính chất của xã hội tư bản chủ
nghĩa vẫn tồn tại nhiều nhiều bất công không thể điều chỉnh, đặc biệt là sự bất
công trong hưởng thụ thành quả lao động. Vì thế mới có Phong trào biểu tình
“Chiếm Phố Wall”; phong trào của những người “đại diện cho 99% dân lao
động” chống lại “1% giới tư bản”, cái “hệ thống được dựng lên để 1% những người
giàu nhất nhận 40% chiếc bánh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét