Phải “chạy” tức là yếu kém, là không đủ tiêu chuẩn, uy tín. “Chạy” tức là
có mưu đồ cầu danh lợi, là một vụ kinh doanh bất hợp pháp.“Chạy” tức là tham
quyền lực, cần phải trừng trị bằng pháp luật … Kiên quyết không để những “con
lươn, con chạch” lọt vào danh sách qui hoạch bởi đấy chính là hiểm họa tiềm
tàng của đất nước.
Như chúng ta đã biết, Hội nghị lần
thứ 14 BCH Trung ương khoá 12 vừa diễn ra. Đây là Hội nghị rất quan trọng bởi
một nội dung vô cùng quan trọng, đó là quyết định quy hoạch nhân sự cho nhiệm
kỳ Đại hội Đảng khoá 13. Để chuẩn bị cho nội dung này, từ nhiều tháng qua, các
cơ quan chức năng đã phải làm việc hết sức cẩn trọng, nghiêm túc nhằm giới
thiệu với BCH Trung ương một danh sách chính xác nhất. Trong đó, có một nội
dung đã được nhắc đến nhiều lần trong thời gian gần đây. Đó là kiên quyết chống
chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu tín nhiệm.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7
tháng 5.2018 đã coi chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng trong công tác
cán bộ nên yêu cầu phải kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc mọi quyền lực đều
phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng
trách nhiệm. Tháng 10.2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy
định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính
trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Tại Mục 4, Điều 3 qui định: Uỷ
viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH Trung ương phải nghiêm khắc
với bản thân và kiên quyết chống: "Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy
quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền,
trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ
không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người
thân".
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị việc
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược với tinh thần công khai, minh bạch, bình đẳng
dân chủ, khách quan, chống tiêu cực, hạn chế yếu kém trong quy hoạch, đặc biệt
là chống "chạy" quy hoạch. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng từng lưu ý: "Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng
tiêu cực, cơ hội chính trị như "con lươn, con chạch".
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng
ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ từng nói: "Chúng ta phải tăng cường công
tác hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng nhằm
khắc phục những sơ hở, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quy
hoạch cán bộ và từng bước đẩy lùi tình trạng "chạy chức, chạy quyền, chạy
luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ".
Từ những điều trên cho thấy, việc
chạy chức, chạy quyền, chạy tín nhiệm, chạy qui hoạch, chạy luân chuyển… là có
thật. Vậy ai chạy và chạy ai? Câu hỏi này cho đến nay hình như vẫn để ngỏ.
Song, việc không ít cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỉ luật, trong đó
có cả một UV Bộ Chính trị bị khởi tố cho thấy một lỗ hổng không nhỏ đối với
công tác qui hoạch cán bộ của ta. Các khâu cơ bản của công tác cán bộ là phát
hiện đào tạo, đề bạt cất nhắc, quản lý giám sát chưa được chú trọng, quan tâm
đúng mức.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch dạy:
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "Muôn việc thành công
hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Thế nhưng muốn có cán bộ tốt,
trước hết phải ngăn chặn bằng được việc "chạy" bởi phải "chạy"
tức là yếu kém, là không đủ tiêu chuẩn, không đủ uy tín. "Chạy" tức là có mưu đồ cầu danh,
hám lợi và nhìn ở góc độ kinh tế, đó là một vụ kinh doanh bất hợp pháp. "Chạy"
tức là một hình thức tham nhũng (tham nhũng quyền lực) và gần đây Tổng bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn chỉ ra tham nhũng chính trị, tham nhũng
chính sách đã để lại hậu quả rất nặng nề cho cả hệ thống chính trị nên cần phải
trừng trị bằng pháp luật những người chạy và tiếp tay cho việc chạy. Kiên quyết
không để những "con lươn, con chạch" lọt vào danh sách qui hoạch bởi
đấy chính là hiểm họa tiềm tàng của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét