Cho tới nay đã có ít nhất 3 biến thể của SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi và Brazil lây lan xuyên quốc gia.
Hơn 100 triệu người trên thế giới đã mắc COVID-19 và mỗi một ca bệnh đều ẩn chứa cơ hội để virus biến chủng ngẫu nhiên. Hay nói cách khác, càng nhiều người nhiễm virus, nó càng có nhiều cơ hội để tiến hóa.
Biến thể có nguồn gốc từ Anh xuất hiện lần đầu vào tháng 12/2020 và hiện đã lan rộng ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, biến thể này có độ lây nhiễm cao hơn từ 50 - 70%. Thủ tướng Anh khẳng định, có bằng chứng cho thấy biến thể SARS-CoV-2 ở nước này có thể liên quan với tỷ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu cho thấy vaccine hiện hành vẫn có khả năng phòng vệ cao với biến thể này.
Trong khi đó, biến thể có từ Nam Phi lại đáng lo ngại lớn. Biến thể này đã lây lan ra hơn 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thí nghiệm cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn với biến thể Nam Phi. Hai nhà sản xuất là Novavax và Johnson & Johnson thì tuyên bố vaccine của họ có hiệu quả kém hơn với biến thể này. Ví dụ như vaccine của Novavax đạt hiệu quả 86% đối với biến thể phát hiện tại Anh nhưng chỉ hiệu quả 60% đối với biến thể phát hiện tại Nam Phi.
Ông Peter Hotez - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia, Đại học Y Baylor, Mỹ cho biết: "Những phát hiện của hãng dược Moderna là các vaccine có thể phòng vệ trước biến thể ở cả Anh và Nam Phi, nhưng mức độ thấp hơn khoảng 6 lần đối với biến thể Nam Phi. Và vì lý do đó, chúng ta có thể cân nhắc việc chủng ngừa liều thứ ba để đối phó với biến thể Nam Phi". Theo ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ: "Chúng tôi đang nghiên cứu nâng cấp các loại vaccine hiện hành để có thể chống lại các biến thể, đặc biệt là biến thể ở Nam Phi là gây nhiều quan ngại nhất".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét