Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

CẦN LƯU Ý 09 HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM LIÊN QUAN ĐẾN PHÁO

 



Tết Nguyên Đán 2021 đang đến rất gần trong sự háo hức của mọi người. Tuy nhiên, để có thể đón Tết vui vẻ, an toàn, trật tự, người dân nên chú ý không thực hiện 09 hành vi bị cấm về pháo được quy định tại Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo như sau:

Một là, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định.

Hai là,  nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

Ba là,  mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Bốn là, lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Năm là, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

Sáu là, chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

Bảy là, giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

Tám là, hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

Chín là, cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Nếu cá nhân nào vi phạm một trong những điều cấm nêu trên thì tùy vào hành vi và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đơn cử như: Cá nhân mua pháo hoa nổ về bắn trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2021 thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi mua, bán pháo trái phép theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc cá nhân chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép pháo hoa nổ có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo Khoản 1 Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015.

Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021. Nghĩa là Nghị định này sẽ có hiệu lực trong thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, đây cũng là thời gian cao điểm mà các lực lượng chức năng sẽ siết chặt công tác quản lý và sử dụng pháo, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa trên thị trường, không để các đối tượng lợi dụng quy định cho phép sử dụng pháo hoa để xuyên tạc, đánh tráo khái niệm mà thực hiện hành vi sản xuất, chế tạo, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép cái loại vật liệu nổ, thuốc pháo nổ, pháo hoa nổ. Do vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về các quy định của Nghị định 137 để  không vi phạm vào những điều cấm về pháo, nhất là giúp người dân phân biệt rõ loại pháo hoa được phép sử dụng và các loại pháo hoa nổ bị cấm để tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc cũng như đảm bảo an toàn cháy nổ, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét