Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Một đòi hỏi phi lý

 

Bằng cách rêu rao rằng, các “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam hiện như “cá nằm trên thớt”, thời gian qua, các cá nhân, tổ chức có quan điểm thù địch với Việt Nam liên tục kêu gọi phải thả các tù nhân này ngay lập tức. Liệu đó có phải là đòi hỏi chính đáng?

Năm qua, không ít lần trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin đại loại như: Các tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam thường xuyên bị ngược đãi, đe dọa, thậm chí bị đánh đập, thiếu đồ ăn thức uống... Dường như chưa đủ để bẻ lái dư luận, các thế lực thù địch giở thêm “bài cùn” bằng lập luận rằng đại dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động mạnh tới sức khỏe cộng đồng, trong đó có cả tác động và nguy cơ lây lan tới các nhà tù, trại giam, trại tạm giam ở Việt Nam và do đó, "chính quyền Việt Nam phải đặc xá, thả tất cả các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm".

Họ cố tình quên rằng, đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện và lao động để hoàn lương. Nếu như các bản án là minh chứng cho tội danh của các phạm nhân, thì việc đặc xá, tha tù trước thời hạn là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy trại giam của phạm nhân. Mỗi đợt đặc xá là dịp để các phạm nhân nhìn nhận, suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, tự mỗi người đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ và sẵn sàng phấn đấu để tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. 

Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Đặc xá năm 2007, những năm qua, Chủ tịch nước đã quyết định nhiều đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho nhiều người bị kết án phạt tù có thời hạn. Thường thì các đợt đặc xá diễn ra nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Hiệu quả của công tác đặc xá cũng được chứng minh bằng tỉ lệ tái phạm thấp, đại đa số phạm nhân được đặc xá sau khi ra tù đều nhận thấy và đi theo con đường hướng thiện, thậm chí nhiều người còn trở thành những tấm gương người tốt, việc tốt. Qua đó càng chứng minh rằng, đặc xá là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta và trên thực tế đã được cộng đồng trong nước, dư luận quốc tế và những người quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam thừa nhận, đồng tình.

Tuy nhiên, đặc xá thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, song không phải với mọi đối tượng. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, các phạm nhân chỉ có thể được đặc xá, trả tự do sớm nếu họ thừa nhận những sai phạm của mình và chứng minh quyết tâm hướng thiện bằng cách cải tạo tốt, chấp hành nghiêm các nội quy của trại giam. Nói cách khác, việc đặc xá phụ thuộc vào quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân của các phạm nhân, chứ không thể phụ thuộc vào những lời kêu gọi hay đòi hỏi phi lý từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.

Từ đó cũng dễ dàng nhận thấy rằng, các thế lực phản động, cơ hội chính trị không hề sẵn lòng thừa nhận những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, mà trái lại chỉ nhăm nhe xỉa xói, tận dụng mọi cơ hội và mánh khóe để phủ nhận các thành tựu ấy. Với riêng những người trót bị gắn cho cái mác “tù nhân lương tâm”, họ thực chất chỉ là một công cụ nhất thời trong tay những kẻ đang âm mưu chơi ván bài nhân quyền nhằm vào Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét