Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Ngày tình yêu nơi tuyến đầu

  

Nhưng ngay trong lúc này, hàng vạn người trên tuyến đầu chống dịch đang phải gác lại tình cảm dung dị, bình thường đó vì cuộc sống bình yên cho mọi người.

Cách đây ít ngày, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một sĩ quan công an đứng bên ngoài dải phân cách khu cách ly nhìn người vợ con khiến ai xem cũng rưng rưng xúc động.

Đó là chuyện ở tâm dịch, còn xa hơn, trên những vùng biên viễn xa xôi, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội đang gồng mình với cuộc chiến trên chốt chống dịch. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ biên phòng trở thành những lá chắn sống canh gác biên giới, các đường mòn lối mở, ngăn không cho dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Gần hai năm qua, đã có hàng trăm người lính tình nguyện hoãn đám cưới, không về nhà chịu tang cha mẹ, người thân, ở lại cùng đồng đội chống dịch... Hàng chục trường hợp vợ sinh nhưng không về được. Tấm gương Trung úy Nguyễn Đình Thông - Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An hay tin bố ở quê qua đời vì bạo bệnh đã nén đau thương, xin phép chỉ huy lập bàn thờ tạm ngay chốt kiểm soát để anh và đồng đội bái vọng rồi tiếp tục làm nhiệm vụ đã được biểu dương, khen thưởng trong toàn quân. 

Một trường hợp khác là Thượng úy Lê Bá Liêm, Ban Cửa khẩu, Phòng tham mưu Bộ đội biên phòng Kon Tum được tăng cường lên Đồn Biên phòng Sa Thầy đã phải hoãn cưới tới 2 lần trong năm 2020 vì dịch Covid-19. Chỉ riêng thiệt hại tiền in thiệp và hoa, lễ cùng nhiều chi phí khác đã khiến người lính nghèo mất hàng chục triệu đồng nhưng khổ và khó nói nhất với người thân, gia đình, bạn bè là những cuộc điện thoại giải thích… hoãn cưới. Có trường hợp như Thượng úy Chu Mạnh Hiển (Trạm cửa khẩu quốc tế Kim Thành, Lào Cai) hiếm muộn, đang điều trị để sinh con theo chu kỳ tại Hà Nội, đến kỳ lấy tinh trùng nhưng cũng phải gác lại vì nhiệm vụ chung.

Với những người như thế, Ngày lễ tình yêu với họ dường như còn rất xa, chưa biết bao giờ họ có thể có mặt trong ngày đó cùng người yêu thương của mình. Song không một ai kêu ca, than vãn vì dường như ai cũng xác định được trách nhiệm của mình, biết hi sinh tình yêu riêng tư vì một tình yêu lớn hơn với cộng đồng, với quê hương, đất nước.

Một thầy hiệu trưởng trẻ ở Hải Dương sau cơn thảng thốt lo lắng vì dịch bệnh đã đứng dậy vững vàng để làm điểm tựa cho mọi người, gương mẫu làm những việc chưa ai thấy thầy làm lúc bình thường như dậy sớm quét sân trường, khiến các em học sinh non nớt cũng tự lực vươn lên. Những em học sinh bé bỏng chưa một lần rời xa vòng tay gia đình phải sống trong cuộc sống cách ly trong một “cuộc chiến” đã biết lớn lên như những “chiến binh” thật sự biết sống trong đội ngũ. Nhiều cặp vợ chồng bộ đội, công an, giáo viên, công chức những ngày qua đã gửi lại gia đình riêng ở phía sau để đêm ngày vật lộn trong tâm dịch. Họ tự giác thực hiện lẽ sống mỗi người vì mọi người, tự giác đương đầu và vươn lên trong khó khăn thử thách như nhà thơ, liệt sỹ Nguyễn Mỹ từng viết: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.

Họ đang sống ở những nơi nguy hiểm nhất, ở những nơi thật sự là “mắt bão”, là mũi nhọn của cuộc sống mà ở đó, chỉ có sự tự giác, chỉ có sự tuân thủ các quy định, kỷ cương một cách nghiêm khắc, ngặt nghèo nhất mới có thể đẩy lùi dịch bệnh. Đó cũng là nơi hơn lúc nào hết cần đến sự nêu gương, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” như năm nào dân gian từng đúc kết. Sự tự giác và gương mẫu ấy đã tạo thành một bức trường thành vững chắc, một sức mạnh thế trận lòng dân đẩy lùi đại dịch, kết tinh và tạo thành sức mạnh, bản lĩnh Việt Nam mà hiếm quốc gia nào có được. Sức mạnh của sự tự giác và nêu gương có lúc còn lớn hơn cả sức mạnh của pháp luật và những qui định chính là ở chỗ đó.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng có kết luận rất đúng rằng: “Ứng phó với dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ”. Phát biểu tại Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn nêu quan điểm “6 dám”, trong đó đề cao, bảo vệ những cán bộ dám đương đầu với thử thách. Cơ chế ”6 dám” cũng đã chính thức được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trước đây chúng ta thường nghe “3 dám” là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì lần này Đảng ta đã khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Vì thế, câu chuyện về những cán bộ, đảng viên đang đương đầu với khó khăn thử thách trên tuyến đầu chống dịch những ngày Tết này khiến chúng ta thêm xúc động và tin tưởng rằng, tổ chức Đảng các cấp sẽ qua những trận đánh “lửa thử vàng” này để ghi nhận, chọn lựa thêm được nhiều cán bộ tốt./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét