Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị hiện nay

         Hiện nay, nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên thường có những biểu hiện cụ thể là:

1. Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung cơ bản, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự phát triển vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Có biểu hiện “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; cho rằng: “tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam”, “ở Việt Nam chỉ cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin”... Đây chính là chiêu thức mà các thế lực thù địch sử dụng để bóp méo, xuyên tạc, hạ thấp, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

2. Ngại học tập - nghiên cứu lý luận chính trị; xem nhẹ lý luận, đề cao kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên tích cực, chủ động đầu tư trí tuệ, thời gian thích đáng cho việc học tập, nghiên cứu, tích lũy làm giàu vốn tri thức lý luận chính trị; thậm chí có biểu hiện viện lý do phải giải quyết nhiều công việc để trốn tránh không tham gia học tập; khi đi học thì gượng ép, “đánh trống ghi tên”, có mặt để đối phó. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có biểu hiện thỏa mãn với chút ít vốn kinh nghiệm của bản thân; xem nhẹ tư duy lý luận khoa học, do vậy trong lãnh đạo, chỉ đạo thường đưa ra quyết định nóng vội, áp đặt chủ quan duy ý chí, không dựa trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn luôn vận động biến đổi.

3. Bệnh giáo điều, kinh viện trong nghiên cứu khoa học chính trị; lý luận xa rời thực tiễn. Trong nghiên cứu khoa học chính trị, một số cá nhân chưa phát huy tư duy độc lập, sáng tạo, ngại khó khăn phức tạp, không coi trọng nghiên cứu lý luận cơ bản, nghiên cứu kinh điển để phân tích, luận giải, làm sáng rõ những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng... Nếu có nghiên cứu lý luận cơ bản thì mới dừng lại ở cấp độ thấp, chủ yếu sao chép, chắp ghép, “đẽo gọt” các trích dẫn và kết quả của các công trình khoa học đã được công bố một cách cơ học, máy móc. Từ sự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị qua loa, hời hợt, hiểu biết không cặn kẽ, đến nơi, đến chốn, dẫn đến sự vận dụng một cách máy móc, giáo điều, vô nguyên tắc, không gắn sát với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, tính đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

4. Thờ ơ về chính trị, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng. Đây là biểu hiện thiếu tính đảng, tính chiến đấu trong bảo vệ chân lý khoa học; không tích cực, chủ động đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng. Biểu hiện nguy hại hơn là “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng... Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét