Xuyên tạc lịch sử dân
tộc - dã tâm thâm độc của các thế lực thù địch
Thời gian gần đây, cùng với tập trung chống phá
Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc
lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân
tộc ta, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhận thức sai lệch về
lịch sử dân tộc, từ đó dao động, nghi ngờ, thiếu lòng tin vào Đảng và chế độ.
Lịch sử dựng nước và giữ nước dân tộc
Việt Nam được ghi dấu bằng lớp lớp những chiến công oanh liệt, hiển hách và
những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng, phát triển. Đặc biệt, từ khi
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng thắng lợi
vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược - đó là những mốc son chói lọi nhất trong
lịch sử dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.
Những thắng lợi đó đã được lịch sử ghi
nhận, khẳng định, nhưng với dã tâm thâm độc, lòng thù hận, các thế lực thù
địch, xét lại, cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận sự
thật lịch sử; khoét sâu, thổi phồng sai lầm, khuyết điểm, nhằm tuyên truyền sai
lệch, làm cho một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc, nhất
là giới trẻ hoài nghi, phai nhạt niềm tin đối với Đảng, chia rẽ Đảng
với Nhân dân, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản
và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những ngày gần đây, một số trang mạng xã
hội, như: “Tivi tuần san”, “Tiếng dân”, “KTV”,… thông qua các hình thức bình
luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử để xuyên tạc các sự kiện lịch sử dân
tộc, hòng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, qua đó, trực tiếp chống phá công
tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội XIII của Đảng. Chúng lật lại những thông tin,
sự kiện cũ, nhưng lại suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích
thích người nghe, người xem; trong đó, tập trung vào sự kiện Cải cách ruộng
đất, Hiệp định Genève (1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân
tộc.
Cải cách ruộng đất ở miền Bắc diễn ra từ
năm 1953 đến năm 1956, với mục đích: thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất
của giai cấp địa chủ, tư sản; chia ruộng đất cho nông dân, thực hiện “Người
cày có ruộng”. Đây là việc làm tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ ở
Việt Nam, trong bối cảnh xã hội có hơn 90% là nông dân và là một trong những
phương thức chủ yếu để lập lại công bằng xã hội, làm cơ sở để xây dựng chế
độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn đầu, cuộc Cải cách thu được
kết quả tốt, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy kháng chiến, góp phần
làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cải cách ruộng đất đã
được thực hiện ở 3.314 xã với hơn 08 triệu dân, tịch thu hơn 70 vạn héc ta
(44,6%) ruộng đất chia cho nông dân, tạo ra bước phát triển vượt bậc
trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do nóng vội, nên
việc thi hành cải cách ruộng đất có nơi bị mất kiểm soát, thực hiện không
đúng chỉ đạo của Trung ương, gây ra những tổn thất cho cách mạng, ảnh
hưởng nghiêm trọng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhận ra sai lầm,
khuyết điểm, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, công khai nhận khuyết điểm và
hành động quyết liệt để sửa chữa, khắc phục và luôn coi đó là bài học kinh
nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng sau này. Trong thư gửi đồng bào nông
thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành đăng
trên Báo Nhân dân, số 897, ra ngày 18/8/1956, Hồ Chủ tịch đã viết: “Trung ương
Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã
có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn
định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”. Thực tế đã chứng minh, nhân dân vẫn giữ
trọn niềm tin với Đảng; dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân
được củng cố ngày càng vững chắc, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác. Thế nhưng, các thế lực thù địch đã ra sức thổi phồng, xuyên
tạc rằng: Cải cách ruộng đất ở miền Bắc là cuộc “thanh trừng”, “tắm máu”;
những khuyết điểm đó bắt nguồn từ sự sai lầm của Đảng khi đi theo chủ nghĩa
Mác - Lênin, thực hiện chuyên chính vô sản hà khắc.(!)
Hội nghị Genève về Đông Dương (1954) bắt
đầu diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta
đang ở giai đoạn cuối; thế và lực của quân và dân ta không ngừng lớn mạnh, đẩy
quân đội Pháp vào thế bị động, liên tiếp thất bại. Lập trường xuyên suốt của
Đảng ta trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève là: hòa bình, độc lập, dân
chủ, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập
của Việt Nam, Lào và Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân
dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài,
v.v. Theo đó, Hiệp định được ký kết với các thỏa thuận: hòa bình được lập
lại, chấm dứt sự hiện diện của quân đội và chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương.
Nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, song các bên tham
dự Hội nghị nhấn mạnh rằng: dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên
giới chính trị hay lãnh thổ. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải
thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”.
Tuy nhiên, Mỹ và Chính phủ bù nhìn Ngô
Đình Diệm biết rằng, nếu tổng tuyển cử tự do thì đa số nhân dân sẽ ủng hộ Chính
phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, nên chúng ra sức phá hoại Hiệp định; thực hiện
chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đẩy mạnh đàn áp tôn giáo. Mặt khác, Mỹ ngày
càng bộc lộ rõ dã tâm xâm lược bằng các hành động hậu thuẫn cho chính quyền
Việt Nam cộng hòa và trực tiếp đưa quân vào Việt Nam. Vì thế, không còn con
đường nào khác, chúng ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để
thực hiện khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam là: hòa bình, độc lập,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, với chân lý “Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt
Nam là một”.
Vậy mà, các trang mạng xã hội phản động
nhắc lại Hiệp định Genève và la lối rằng: việc đưa chủ nghĩa Mác -Lênin vào
Việt Nam là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh ở Việt Nam; cuộc kháng chiến
chống Mỹ chẳng qua là “Chiến tranh ý thức hệ”, “Chiến tranh ủy nhiệm”. Chúng
còn ra sức xuyên tạc: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo là một sai lầm, “không có bên thắng, bên thua” mà tất
cả cùng thua, có nhất thiết phải chiến tranh mới giành được độc lập không? (!)
Những luận điệu trên hoàn toàn xuyên
tạc, ngụy biện, nhằm phá hoại tư tưởng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với
Đảng và chế độ. Tiếc rằng, một bộ phận quần chúng vì lý do thiếu hiểu biết lịch
sử, mơ hồ về chính trị và động cơ cá nhân cố tình hùa theo những luận điệu đó,
tiếp tay cho mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch. Thực tiễn đã khẳng định
tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Vì
vậy, Đảng ta đã phát huy được truyền thống, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc,
được bạn bè và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ. Quân và dân ta đã đánh bại đế
quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội
xã hội chủ nghĩa và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, từ khi thực
hiện đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng, đất nước ta đã đạt được
những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, văn hóa,
xã hội và quốc phòng, an ninh. Đó là câu trả lời đích đáng nhất cho những luận
điệu xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin của các
thế lực thù địch. Dù dã tâm của chúng có hiểm độc đến đâu thì sự thật vẫn không
thể bị lu mờ.
Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên
tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, trước hết
cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân
tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; làm cho mỗi người có hiểu
biết sâu sắc về lịch sử cùng những trang sử vẻ vang của dân tộc ta mà không dân
tộc nào có được. Từ đó, nêu cao niềm tự hào, trách nhiệm phát huy truyền thống
hào hùng đó và viết tiếp những trang sử mới. Đồng thời, biết nhận diện đúng các
luận điệu xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, không bị lôi kéo, mắc lừa
bởi những thông tin bôi đen, xuyên tạc, bịa đặt. Mỗi cán bộ, đảng viên phải
thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tỉnh
táo phát hiện, chủ động đấu tranh ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc lịch sử;
trở thành một chiến sĩ xung kích trên mặt trận phòng, chống “diễn biến hòa
bình” cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Mặt khác, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh theo
pháp luật những tổ chức, cá nhân có hành vi xuyên tạc lịch sử, chống phá cách
mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa.
Theo Tạp chí QPTD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét