Ngày 27/7 hằng năm là dịp
tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha
anh đi trước, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc tuổi xuân,
máu xương, cho thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, tự do. Ngày tháng
Bảy nghĩa tình này nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về đạo lý “Uống nước nhớ
nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Trong cuộc đấu tranh vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ xâm lược của dân tộc ta, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta mà phần
lớn là thanh niên, đã xả thân, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, dũng
cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Tiêu biểu như:
Anh Lý Tự Trọng, chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Đặng Thị Trâm… Các
anh hùng liệt sĩ là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường,
gan dạ, mưu trí, dũng cảm, là nỗi khiếp sợ của kẻ thù, là nguồn động viên của
đồng chí, đồng bào, đoàn viên, thanh niên trong các cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Bằng cuộc đời mình các anh hùng liệt sĩ đã viết lên
những trang vàng đẹp nhất, không chỉ trong truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam,
mà còn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trên cả nước có 1.146.250 Liệt sỹ (Hơn
200.000 hài cốt Liệt sỹ chưa được tìm thấy, hơn 300.000 hài cốt Liệt sỹ đã được
quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê
quán, đơn vị…); trên 127.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 800.000 Thương binh
và người được hưởng chính sách như Thương binh; hơn 300.000 người hoạt động
kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam. Những con số trên nói lên sự
mất mát quá lớn của dân tộc Việt Nam ta và sự tàn khốc của chiến tranh để chúng
ta thấy được cái giá của hoà bình là vô cùng quý giá.
Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất
nhưng hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người
chồng, người vợ và những người con mãi mãi không gặp lại những người thân yêu
nhất của mình. Trong sự mất mát, đau thương đó có sự hy sinh cao cả và thầm
lặng của những người mẹ, người vợ liệt sỹ. Sự cống hiến, hy sinh của các anh
hùng liệt sỹ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì những nỗi đau và hy sinh
thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bội phần.
Hôm nay, chúng ta được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh
đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Tuy không được sống trong những
ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến cuộc
kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhưng qua những trang sử được học, những thước
phim tài liệu, những ca khúc cách mạng, những tác phẩm văn học, nghệ thuật hay
qua những câu chuyện kể của cha anh, nhưng âm vang hào hùng về một thời chiến
đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang vẫn vang vọng trong mỗi
chúng ta. Chúng ta phải luôn tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc và sự tri
ân sâu sắc nhất đến các thế hệ đồng bào, chiến sĩ, đã hy sinh xương máu, tuổi
thanh xuân và hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì
độc lập, vì tự do thống nhất của Tổ quốc. Đó không chỉ là sự tiếp nối truyền
thống cao đẹp, là đạo lý quý báu của dân tộc ta, mà còn là trách nhiệm, là tình
cảm thiêng liêng, là sự tri ân của những người trẻ đối với thế hệ cha anh đi
trước. Cho dù những việc làm và hành động của thế hệ trẻ hôm nay chưa thể đền
đáp xứng đáng với những cống hiến và hy sinh của các thế hệ cha anh, nhưng có
một điều chắc chắn rằng, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng
tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công
mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét