Ngày Quốc khánh
của nước Việt Nam diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ
Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày
25 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều
hôm sau, Đoàn Trung ương đón Bác về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà
Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ
Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, và đưa ra quyết định về việc
khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.
Từ sáng sớm ngày mùng 2/9, hàng chục vạn người hàng
ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về Quảng trường
Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh,
Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố.
Hào hứng ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng
chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ
tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba
Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca nô,
quân phục nghiêm trang, chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Những
chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Võ Nhai, lập nên các
chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng, một lòng bảo vệ nền
Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong
xã hội, ai ai cũng nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của một chế
độ mới- chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo
trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang
lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ được kéo lên theo nhịp
điều của bài hát. Hàng chục vạn tay nắm chặt tay giơ lên ngang tai, thể hiện
lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kiên cường, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ
quốc.
Trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước
cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ
lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng
bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc
đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng
về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc
đó phải được độc lập !….Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực
đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất
cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc
lập ấy.”
Nhắc đến ngày lễ Quốc khánh 2/9, trong trái tim mỗi
người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu
hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả
kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người
anh hùng đã hy sinh bất khuất và biết ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
– vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nhân dịp ngày lễ Quốc Khánh
đang đến gần, chúng ta cùng nhau ôn lại những ý nghĩa lịch sử của ngày lễ trọng
đại này.
Đã là người Việt Nam thì ngày
mùng 2/9 mang một ý nghĩa không thể nào quên, chính ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch
sử, là ngày độc lập dân tộc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng
thời mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngày
2/9 như một mốc son chói lọi, như một “chứng nhân lịch sử” dù thời gian đã trôi
qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản
tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.
Ngày Quốc khánh mùng 2/9 không chỉ có ý nghĩa lịch sử
to lớn mà còn như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay, những người được sinh ra
trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, súng đạn và chiến
tranh, phải luôn luôn học tập, rèn luyện để xứng đáng với câu nói của chủ tịch
Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, cũng như giáo
dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha ta, đã kiên cường bất khuất
đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên
ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt
Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong
ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực
lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần
đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch
Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử
trong suốt hơn 70 năm qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét