Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

TP HỒ CHÍ MINH ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC SAU 7 NGÀY SIẾT CHẶT GIÃN CÁCH.

 

Tính đến ngày 29.8, TP Hồ Chí Minh đã lấy được 1.677.154 mẫu xét nghiệm nhanh, cơ bản xét nghiệm toàn bộ "vùng đỏ", "vùng cam" và đang lấy mẫu đợt 2 tại những khu vực này.

Sau 7 ngày thực hiện Công điện 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đây là nhận định của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tối 29.8.

Cơ bản xét nghiệm toàn bộ vùng đỏ, vùng cam

Thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh trong 7 ngày qua, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết thành phố đã hoàn thành công tác xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người dân vùng cam và vùng đỏ với tần suất xét nghiệm là 2 lần/ngày.

Cụ thể, tính đến ngày 29.8, TP Hồ Chí Minh đã lấy được 1.677.154 mẫu xét nghiệm nhanh, cơ bản xét nghiệm toàn bộ vùng đỏ, vùng cam và đang tiến hành lấy mẫu đợt 2 tại những khu vực này.

Kết quả phát hiện 64.299 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tỷ lệ số mẫu dương tính trên tổng số mẫu lấy là gần 3,8%.

“Do thời gian qua TP Hồ Chí Minh triển khai xét nghiệm diện rộng, tập trung các khu vực nguy cơ cao và rất cao nên số ca phát hiện tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện 4.740 ca nhiễm COVID-19. Thời gian tới, thành phố quyết liệt để đẩy nhanh hơn nữa công tác xét nghiệm," ông Phạm Đức Hải cho biết.

Đối với các vùng xanh, cận xanh và vàng, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt được tiến độ. Cụ thể, khu vực vùng xanh chỉ mới xét nghiệm được 35% tổng số người dân, vùng cận xanh xét nghiệm được 19% và vùng vàng xét nghiệm được 37%.

Trước tình hình này, ngày 28.8, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn đích thân chủ trì triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn. Mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức phải phân công nhân sự chịu trách nhiệm công tác thống kê, báo cáo; không giao cán bộ y tế làm công việc này, để tập trung thời gian trong công tác chuyên môn.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các vùng xanh, cận xanh và vàng đến hết ngày 30.8 phải hoàn thành xét nghiệm đợt 1. Sau khi kết thúc đợt 1, các vùng này chuyển sang đợt 2 và phải hoàn thành trước ngày 6.9 để phân loại lại các vùng nguy cơ.

Đối với vùng đỏ và cam thì phải hoàn thành xét nghiệm đợt 2 vào ngày 1.9. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu xét nghiệm.

Về tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19, tính đến ngày 28.8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm 5.865.276 liều vaccine (tăng 58.286 liều so với ngày 27, trong đó số người được tiêm mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991; số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 632.073 người.

Theo ông Phạm Đức Hải, trong 7 ngày qua, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số trường hợp người dân vi phạm ra đường không có lý do chính đáng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản 6.269 người với tổng mức phạt gần 9 tỷ đồng.

Tăng cường các hoạt động an sinh xã hội

Về hoạt động chăm lo an sinh xã hội cho người dân trong thời điểm dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải cho biết, tại kho của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như: rau củ, gạo, dầu ăn, đường, nước tương, hạt nêm… do các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ.

Những mặt hàng này được đóng gói thành các “túi an sinh” để hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn thành phố. Lũy kế từ ngày 15-29.8, tổng số "túi an sinh" được chuyển tới các quận, huyện và TP Thủ Đức là 960.210 túi.

Bên cạnh đó, từ ngày 15-29.8, thành phố cũng đã vận động hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê cho người dân tại 273.728 phòng trọ, với tổng số tiền được giảm hơn 158 tỷ đồng; cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân để tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn; tiếp nhận 740 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh; hỗ trợ 53.776 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí gần 59 tỷ đồng…

Về cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân, sau 1 tuần triển khai hoạt động “đi chợ hộ” đã có nhiều phản ánh của người dân về việc chậm trễ, không đúng đơn hàng. Trước vấn đề này, ông Phạm Đức Hải cho rằng việc đi chợ hộ là một giải pháp rất mới, “chưa từng có trong lịch sử” nên khó tránh khỏi sai sót khi thực hiện.

“Đi chợ hộ là một ‘bài toán đa biến,' bản thân mỗi người dân đi chợ cũng chưa chắc đáp ứng được sở thích của tất cả thành viên gia đình, chưa chắc lúc nào cũng mua được đúng loại hàng mình cần, vậy nên nếu yêu cầu các lực lượng phải làm hài lòng tất cả mọi người là rất khó," ông Hải cho biết.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận việc "đi chợ hộ” là một phương thức cung ứng thực phẩm mới theo yêu cầu phòng chống dịch, phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đáp ứng nhưng do không có thời gian chuẩn bị nên có những khó khăn, lúng túng bước đầu.

“Chính quyền thành phố cam kết không để người dân thiếu đói nhưng để đáp ứng tất cả nhu cầu như bình thường sẽ rất khó khăn. Các đơn vị cung ứng đang tích cực, cố gắng đưa hàng hóa đến tay người dân nhưng chắc chắn có những lúc trục trặc, chậm trễ đến tay người dân. Mong người dân thông cảm," ông Phương chia sẻ.

Theo ông Phương, hiện các tổ công tác đặc biệt tại 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các tổ COVID-19 cộng đồng và các lực lượng chức năng đã đi chợ hộ với tần suất 1 tuần/lần để phân phối hàng hoá trực tiếp đến người dân. Từ ngày 23-28.8, các lực lượng đã “đi chợ hộ” cho 411.922/508.666 hộ đăng ký, đạt tỷ lệ 84%.

Về các hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian tới, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ triển khai phát các túi thuốc điều trị COVID-19 cho những bệnh nhân được điều trị tại nhà. Các túi thuốc này sẽ được chia thành 3 gói (A, B, C), sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Gói A là những thuốc thông dụng gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng dùng trong 7 ngày. Gói B gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông dùng trong 3 ngày, được chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, thở nhanh… Gói C là thuốc kháng virus Molnupiravir dùng cho người nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt, không phát rộng rãi cho người dân mà do nhân viên y tế cung cấp theo ngày, dùng trong 5 ngày liên tục.

Để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống dịch, TP Hồ Chí Minh cử các đoàn công tác với tổng cộng 754 cán bộ tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức; mỗi phường, xã được phân công 2 người. Riêng tại 5 quận, huyện: 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh, mỗi phường xã 3 người.

Tính đến 6 giờ ngày 29.8, có 205.466 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 205.023 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 443 trường hợp nhập cảnh./.

Nguồn TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét