Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021
Bí thư Hà Nội: Kiên trì giãn cách xã hội
Ông Đinh Tiến Dũng nhận định còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, nên nguy cơ lây lan dịch Covid-19 vẫn rất lớn.
Trao đổi với báo chí ngày 29/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói thời gian qua đông đảo người dân thủ đô đã tích cực tham gia chống dịch. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này phức tạp hơn rất nhiều trước đây; các ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh những ngày gần đây cho thấy còn không ít sơ hở trong thực hiện giãn cách xã hội.
Các chùm ca bệnh mới tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai); trước đó tại phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), xã Liên Ninh, Đại Áng (huyện Thanh Trì) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho thấy, nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau.
"Việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc", ông Đinh Tiến Dũng nói và nêu lo ngại là ngay cả các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong". Các ca dương tính với nCoV còn được phát hiện tại một số khu chợ dân sinh, siêu thị; lái xe "luồng xanh", lái xe cấp cứu 115 cũng đã ghi nhận dương tính...
"Thực tế hiện nay cùng với tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước vẫn rất phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân thủ đô tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả", Bí thư Hà Nội nói.
Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các quận, huyện... chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm... để có kịch bản chống dịch chủ động, kiểm soát dịch chặt chẽ từ "gốc" tới từng ngõ, ngách, từng hộ gia đình.
Toàn thành phố tổ chức triển khai mô hình "Gia đình an toàn Covid-19", yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết không ra đường khi không có việc cần thiết.
Nhấn mạnh yêu cầu bằng mọi giải pháp giảm số người ra đường, bảo đảm yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", Bí thư Hà Nội chỉ đạo "làm chặt chẽ hơn" với trọng tâm là giám sát từ các ngõ, phố, tuần tra lưu động trên đường gắn với kiểm tra cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm...
Hệ thống các chốt không để lọt người từ các vùng có dịch vào thành phố mà không được kiểm tra dịch tễ.
Nhằm ngăn chặn tài xế xe "luồng xanh" đã nhiễm Covid-19 song vẫn vào thành phố, lây nhiễm ra cộng đồng như tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), ông Dũng chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu xe "luồng xanh" phải di chuyển thẳng đến nơi xuống hàng, không được dừng đỗ, người trên xe không được rời cabin.
Trường hợp vì lý do bắt buộc cần phải rời cabin thì tài xế phải mặc đồ bảo hộ y tế, không được tiếp xúc với ai; xuống hàng xong quay đầu xe rời ngay khỏi địa bàn. Nếu lái xe có nhu cầu ở lại thành phố, doanh nghiệp tiếp nhận hàng phải có trách nhiệm bố trí chỗ ăn ở riêng; nếu tài xế lưu trú lại dài ngày thì phải xét nghiệm, cách ly như đối với người về từ cùng dịch.
Việc cách ly, phong tỏa các "vùng đỏ" bảo đảm vận hành như khu cách ly tập trung, chặt chẽ từ ngoài vào trong; đẩy mạnh xét nghiệm, cách ly để chuyển các "vùng da cam" thành "vùng xanh"; tổ chức phòng thủ giữ chắc các "vùng xanh" theo mô hình chia nhỏ để quản lý; tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả "vùng xanh" đưa thành phố trở về trạng thái an toàn.
Hà Nội đã qua 36 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nhưng số ca mắc mới vẫn ở mức cao, liên tục xuất hiện các ổ dịch mới.
Ngày 29/8, thành phố ghi nhận 133 ca bệnh, đây là số ca mắc mới cao nhất từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn thủ đô (ngày 6/3/2020).
Tính từ đầu đợt dịch thứ tư (ngày 27/4 đến nay) Hà Nội ghi nhận 3.091 ca nhiễm (không tính số ca tại bệnh viện tuyến trung ương), trong đó có 1.534 ca nhiễm cộng đồng, 1.557 ca ghi nhận tại khu cách ly.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét