Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021
Chôn chân trên đường
Suốt bốn ngày, 44 chiếc xe chở theo gần 500 tấn hàng tiêu dùng của chúng tôi bị chôn chân trên đường.
Một số kẹt cứng trong dòng xe nối dài hàng chục km ngoài quốc lộ 1A trước cửa ngõ Thành phố Cần Thơ, số thì bó gối trong bến xe trung tâm thành phố.
Tất cả hàng không ra được thị trường. Nhiều tài xế phải ăn, ngủ trên cabin từ sáng 23 cho đến trưa 26/8. "Em chỉ biết ngồi chết gí trên xe", tài xế Phạm Tiến Thành gọi về.
Chỉ cách đó vài cây số, kho trong thành phố Cần Thơ cạn hàng, nhà phân phối gọi điện thúc giục nhân viên kinh doanh, người dân không có hàng để mua.
Đã nhiều tuần nay, ban lãnh đạo tập đoàn chúng tôi làm việc không nghỉ cả cuối tuần để tìm cách hỗ trợ các tài xế và lực lượng tiền tuyến ngoài thị trường.
Một trong những việc mất nhiều năng lượng tuần trước là giải quyết ùn tắc trước cửa ngõ Cần Thơ do quy định "sang xe, đổi tài". Chính quyền thành phố này yêu cầu các doanh nghiệp vận tải trước khi vào địa bàn phải thay thế lái xe của địa phương hoặc chuyển hàng sang xe khác, đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công thương.
Trao đổi với lực lượng trực các chốt chặn không giải quyết được ùn tắc, chúng tôi buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Qua đường dây nóng và đường công văn, chúng tôi đã gửi kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương nêu rõ sự bất nhất trong các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến chuỗi cung ứng cả nước bị đứt gãy.
Nhưng tình hình không cải thiện. Ngày 25/8, công ty gửi văn bản kiến nghị đến Ủy ban nhân dân và Sở Công thương Thành phố Cần Thơ, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương chỉ ra các vấn đề của chính sách: hàng hóa không thể giao sang xe khác vì vừa thiếu tài xế địa phương vừa không có nhân lực bốc xếp; bãi chật chội; phương án dỡ hàng và đổi người có nguy cơ thất thoát hàng hóa cho doanh nghiệp và còn có thể lây nhiễm dịch bệnh.
Phản ứng tức thời của doanh nghiệp là vậy. Nhưng cuối cùng, ta đều thấy, đứt gãy vẫn xảy ra.
Đây chỉ là chuyện mới nhất mà một doanh nghiệp cung ứng hàng tiêu dùng trên toàn quốc như chúng tôi trải qua trong nhiều tháng các tỉnh, thành áp dụng giãn cách. Mỗi ngày, bộ phận cung ứng và bán hàng đều liên tục cập nhật các quy định mới của hàng chục tỉnh, thành để ban lãnh đạo gấp rút bàn thảo và ứng phó.
Chúng tôi hiện có hai cụm nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và VSIP Bắc Ninh cùng ba trung tâm phân phối hàng tại Bắc Ninh, Đà Nẵng và Bình Dương. Yêu cầu về các thủ tục, giấy tờ để lưu thông hàng hóa giữa các địa phương không thống nhất, thậm chí nơi này không công nhận giấy tờ của nơi khác cấp, xe chuyển hàng được tỉnh này cho lưu thông nhưng tỉnh kia không cho vào...
Ở Lâm Đồng, hàng hóa buộc phải sang xe 100%. Ở Bạc Liêu, chỉ phương tiện phục vụ hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi mới được lưu thông và cấp phép QR code. Ở Bình Dương, đường bị chặn cứng bằng bê-tông hai tuần trước, xe chở hàng không thể vào một số khu vực. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, các tài xế phải xét nghiệm nhanh tại chỗ khi qua chốt trên quốc lộ 51, kể cả người có giấy xét nghiệm Covid-19 còn hiệu lực... Chúng đều là những quy định riêng của các địa phương, không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và các bộ về việc tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Chi phí để đáp ứng các quy định trên phát sinh ở các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển lẫn doanh nghiệp thuê như chúng tôi hơn hai tháng qua đã tăng thêm hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh các chi phí trả cho tài xế, lưu xe, xét nghiệm, bốc xếp và thuê xe sang hàng... doanh nghiệp cũng gánh thêm chi phí khi số lượng xe tải chuyển hàng tăng gấp đôi do phải chuyển sang xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hóa đến các cửa hàng, siêu thị thay vì tập trung về kho tổng như trước; tuy nhiên nhân lực lại thiếu hụt do người lao động bị hạn chế đi lại hoặc đã về quê.
Các quy định như dỡ hàng hay đổi tài càng tạo thêm gánh nặng về tài chính lẫn thời gian. Chưa kể có trường hợp, các xe tải sau khi giao hàng rất khó quay đầu về kho ban đầu do xe lúc về không còn chở hàng thiết yếu. Với nhiều tài xế, cụm từ "hàng thiết yếu" ở đợt dịch này trở nên ám ảnh.
Dù Cần Thơ bỏ quy định "đổi tài" hôm qua, nếu chuỗi cung ứng tiếp tục gặp khó, hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội còn tiếp diễn. Đầu tiên, sẽ thêm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao, gián tiếp gây lạm phát trong những tháng cuối năm.
Thứ hai, người dân bị thiếu hụt hàng hóa, hoặc phải mua với giá cao, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch. Một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể có thể phát sinh hàng nhập lậu nếu nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Ai đó sẽ nói: chống dịch quan trọng nhất và là khó chung của cả nước, sao phải kêu ca.
Trong vô số thách thức Covid-19 gây ra, có việc chúng ta phải chấp nhận, song có những rắc rối có thể gạt ra ngay từ đầu. Đứt gãy chuỗi cung ứng là câu chuyện hoàn toàn có thể tránh được nếu các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ được các địa phương hiểu đúng, tham vấn nhiều bên và áp dụng nhất quán.
"Tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể mới nói. Theo ông, khi đưa ra quy định, các địa phương phải đánh giá kỹ những phát sinh không cần thiết, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp và người dân.
Tinh thần này không nên chỉ dừng ở chỉ đạo mà có thể thêm một số động tác. Bộ Công thương có thể ban hành hướng dẫn thống nhất về thủ tục lưu thông hàng hóa trên toàn quốc, giao các sở Công thương cùng sở Giao thông vận tải cùng triển khai, với sự hợp tác thực thi của ủy ban nhân dân các cấp và lực lượng tham gia chốt chặn. Tôi cũng chờ đợi hành động mới ở tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp vừa được thành lập.
Để các các chỉ thị chống dịch của từng tỉnh thành không gây thêm rắc rối, lãnh đạo địa phương có thể tham vấn ý kiến từ các hiệp hội, ban quản lý các khu công nghiệp trước khi ra chính sách. Đôi khi chỉ cần vài cuộc gọi và lắng nghe, chính sách đã hữu dụng hơn.
Hơn lúc nào hết, bản lĩnh ra quyết định của lãnh đạo địa phương thể hiện rõ nhất trong bối cảnh phải cân đong sao cho vừa chống dịch vừa chống khan hiếm hàng hóa cho dân. Chỉ khi "luồng xanh" thể hiện trong từng hành động thực thi của nhân viên tại các chốt kiểm soát liên tỉnh, nội thị, chúng tôi sẽ tin rằng những trục trặc thời gian qua chỉ là tập dượt.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét