Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

NGHỆ THUẬT TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

 “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Phát huy truyền thống quý báu của cha ông, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc chọn và trọng dụng nhân tài. Chính nghệ thuật trọng dụng người tài của Người đã đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng về đường lối và người lãnh đạo kéo dài suốt từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.   

Trước Cách mạng Tháng Tám, với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tinh tường phát hiện ra nhiều người tài để đào tạo bồi dưỡng thành các nhà lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng, Người trực tiếp mở lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc). Những thanh niên yêu nước do Người lựa chọn đào tạo sau này đều trở thành những nhà hoạt động cách mạng kiên trung.

Cùng với việc trực tiếp đào tạo, Hồ Chí Minh chú trọng tìm người yêu nước có tài để đưa đi học ở nước ngoài. Từ năm 1926, Người đã lựa chọn và nhờ đại diện của Quốc tế Cộng sản tại miền Nam Trung Quốc giúp đỡ làm thủ tục cho một số thanh niên sang Mátxcơva học tập, trong đó nổi bật nhất là đồng chí Trần Phú. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông (Mátxcơva), trở về nước hoạt động, tháng 10/1930 đồng chí Trần Phú được bầu là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Cũng trong giai đoạn đó, các học viên do Hồ Chí Minh chọn đi học ở Liên Xô (cũ) đều trở thành những nhà hoạt động cách mạng xuất sắc như đồng chí Lê Hồng Phong (Tổng Bí thư của Đảng năm 1935 - 1936), Hà Huy Tập (Tổng Bí thư năm 1936 - 1938)...

Năm 1941, sau quãng thời gian bôn ba ở hải ngoại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc/ Hồ Chí Minh về nước với tư cách cán bộ Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII. Tại hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Đó được coi là một sự lựa chọn đúng đắn của Bác Hồ và Đảng ta. Với vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thời kỳ độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng con mắt nhìn người tinh tường đã phát hiện ra nhân tài quân sự kiệt xuất - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người sau này được bình chọn là một trong 100 vị tướng xuất sắc nhất mọi thời đại.

Năm 1944, xác định phải có Tổng khởi nghĩa thì mới có thể lật đổ chế độ phong kiến và thực dân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra đời, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Các ký giả, sử gia Pháp và Mỹ thời đó và cả bây giờ đều quan tâm đến việc Cụ Hồ giao việc thống lĩnh quân đội cho một người chưa qua trường lớp quân sự nổi tiếng nào mà đã đánh bại các đại tướng của Pháp, Mỹ, những người đã học qua các học viện quân sự nổi tiếng thế giới. Họ đều cho rằng việc “chọn mặt gửi vàng” của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng, bằng chứng là đồng chí Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Người giao phó.

Năm 1945, Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, buộc phát xít Đức đầu hàng. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiến quân về phía Đông, tuyên chiến với phát xít Nhật. Thời cuộc diễn biến rất nhanh. Nhờ sự dẫn dắt tài tình của Người cùng sự hỗ trợ nhiệt thành của đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí khác, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã chớp thời cơ, vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Tin tưởng ở những tài năng trẻ tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó đã ký lệnh phong đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và phong hàm Đại tướng khi đồng chí Võ Nguyên Giáp mới 37 tuổi.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “kiến quốc cần có nhân tài”. Người đã viết hai bài Nhân tài và Kiến quốc, Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc để tìm người tài đức tham gia xây dựng Tổ quốc. Người giãi bày tâm can cùng nhân dân và yêu cầu chính quyền các cấp tiến cử nhân tài cho Chính phủ: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Các bài viết nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là “chiếu cầu hiền tài”. Nhờ có tầm nhìn chiến lược, quan điểm đúng đắn đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ.

“Dụng nhân như dụng mộc”, tùy tài đức mà dùng, Hồ Chí Minh đánh giá tài đức của cán bộ ở kết quả công việc vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng các công chức, quan chức trong chính quyền cũ và những người ngoài Đảng nếu họ thật sự có tài đức.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Người đi Pháp năm 1946, tuy trong Chính phủ có nhiều cán bộ là đảng viên nhưng Người quyết định giao cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn giữ vững phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp và các quan chức khác trong Chính phủ giải quyết tốt việc quốc nội, giữ được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động.

Trong Chính phủ và Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trọng dụng đúng các quan đại thần khác như cụ Phan Kế Toại, cụ Phạm Khắc Hòe; trọng dụng “vua Mèo” Vương Chí Sình, Tổng đốc Vi Văn Định người dân tộc Tày... Bên cạnh đó là hàng loạt trí thức tài năng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, giao trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật...

Có tâm và có tầm trọng dụng nhân tài, có nghệ thuật dùng người nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ được nhân tài ở tất cả các miền Bắc, Trung, Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Giờ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về nhân tài vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta. Quan điểm của Người về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài chính là bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong công tác cán bộ hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét