Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Chống tâm lý “lựa chọn” khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19

 

Sau thời gian quyết liệt, khẩn trương triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022, tính đến nay, Việt Nam đã có gần 20 triệu liều vắc xin được tiêm. Đây là cơ sở vững chắc để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu đạt độ bao phủ 70% dân số cho đến hết tháng 4/2022. Tuy vậy, trong thời điểm đầu thực hiện, ngoài những khó khăn khách quan về tiếp cận các nguồn vắc xin thì chiến lược tiêm chủng lớn nhất Việt Nam còn gặp phải một trở lực từ chính tâm lý “lựa chọn vắc xin” của một bộ phận người dân trong xã hội…

Giữa lúc tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… khi mà cả nước đã ưu tiên mọi nguồn vắc xin hiện có để chi viện cho thành phố mang tên Bác thì đáng buồn thay trong những ngày qua, trên mạng xã hội đã lan truyền video ghi lại hình ảnh, một số người dân ở Quận 1 dù có cơ hội tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trước nhưng lại khước từ cơ hội này chỉ vì bản thân không tin hoặc chỉ tin vào hiệu quả của “loại vắc xin này, vắc xin kia của một quốc này hay một quốc gia khác”. Không những vậy, trước khi bỏ về họ còn có những lời lẽ vô căn cứ, mang nặng cảm tính cá nhân, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ về chất lượng của các loại vắc xin ngừa Covid-19 mà Đảng, Chính phủ cùng Nhân dân cả nước phải gồng mình để bảo đảm và ưu tiên trước cho những địa phương đang là điểm nóng của dịch như thành phố Hồ Chí Minh. 

Không chỉ xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện có chiều hướng không hay về “tâm lý lựa chọn vắc xin” cũng đã diễn ra ở nhiều địa phương khác. Ngay như ở một huyện nọ ở ngoài Bắc, thời điểm chính quyền tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho Nhân dân thì cũng đã diễn ra những cảnh tượng đối lập đáng buồn. Đó là việc, ở đợt tiêm vắc xin của quốc gia này thì diễn ra cảnh chờ đợi, chen chúc có khi đến ùn tắc, còn đợt tiêm vắc xin của quốc gia kia thì cả hệ thống chính trị của địa phương phải tìm mọi cách vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân. Qua trao đổi nhanh với lãnh đạo huyện được biết, do khó khăn trong nguồn tiếp cận vắc xin nên số lượng vắc xin của các quốc gia khác nhau có sự chênh lệch tương đối và có khi là được phân phối từ trên xuống theo những đợt không trùng nhau. Vậy nên, trong huyện cũng có một bộ phận người dân xuất hiện “tâm lý lựa chọn vắc xin” do cá nhân đã mang sẵn thái độ, tình cảm yêu, ghét, nghi ngờ, tin tưởng quốc gia này hơn quốc gia kia.

Cũng theo lãnh đạo huyện này, thì lý lẽ thường thấy của người dân khi có tâm lý lựa chọn vắc xin của quốc gia này hay không lựa chọn vắc xin của quốc gia khác chỉ xoay quanh vấn đề lo ngại về chất lượng, độ an toàn với người tiêm của các loại vắc xin ngừa Covid-19. Trên thực tế thì đây là sự lo ngại không có cơ sở, bởi lẽ đối với loại vắc xin mà người dân có tâm lý nghi ngại thì ngay khi loại vắc xin này được cấp về địa phương, chính các chuyên gia và công dân của quốc gia sản xuất ra loại vắc xin đó đang làm việc trên địa bàn huyện được nước bạn yêu cầu phải tiêm trước tiên, sau đó mới đến người Việt Nam. Ngoài ra khi từ Việt Nam trở về, nước bạn cũng yêu cầu các chuyên gia và công dân đã nói trên phải hoàn thành việc tiêm và tiêm đúng loại vắc xin ngừa Covid-19 của quốc gia mình thì mới có giá trị cao nhất khi về nước. Từ những yếu tố này cho thấy việc lo ngại về độ an toàn và chất lượng của “vắc xin này hay vắc xin nọ” là hoàn toàn sai lầm.

Có thể nói, việc “lựa chọn vắc xin” trong khi thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 xuất phát chính từ tâm lý bài ngoại hay vọng ngoại vẫn tồn tại phổ biến trong một bộ phận người dân ở nước ta. Sẽ rất nguy hiểm nếu để nó phát triển thành một dạng tâm lý xã hội trong cuộc chiến chống lại Covid-19 ở Việt Nam. Trước mắt, “việc lựa chọn vắc xin” sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tốc độ của chiến lược tiêm chủng lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tức là việc đạt miễn dịch cộng đồng của chúng ta sẽ bị kéo lùi so với chính năng lực thực hiện của mình và một khi không nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, thì mỗi ngày chậm lại sẽ kéo theo bao hậu quả tai hại về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra. Hơn nữa, dù cho việc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì vẫn có nguy cơ dương tính nhưng nếu đem ra so sánh 2 người cùng mắc Covid thì bao giờ người chưa tiêm tỷ lệ tử vong cũng cao hơn gấp nhiều lần so với người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Một lần nữa cần phải khẳng định, các loại vắc xin hiện tại được lựa chọn cho Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 của Việt Nam là an toàn và bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn. Bởi lẽ, dù đến từ quốc gia nào, tất cả các loại vắc xin phải trải qua các vòng khảo nghiệm chuyên môn nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được WHO cấp phép lưu hành cũng như khi về tới Việt Nam đều được sự đánh giá, sàng lọc kỹ càng của Bộ Y tế trước khi đem ra tiêm trong cộng đồng. Vậy nên, người dân có thể hoàn toàn yên tâm tiêm bất cứ loại vắc xin nào do chính quyền cung cấp và cần lên án mạnh mẽ “hành động lựa chọn vắc xin” xuất phát từ tâm lý bài ngoại hay vọng ngoại còn tồn tại phổ biến trong một bộ phận người dân. Đồng thời, trong thực hiện chiến lược tiêm chủng, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và công khai, minh bạch hơn nữa quá trình tiêm các loại vắc xin. Hãy để Nhân dân biết và hiểu mình được tiêm loại vắc xin nào, tác dụng ra sao, mình ở nhóm ưu tiên số mấy và vì sao mình được tiêm loại vắc xin này hay loại vắc xin kia…

          Có như vậy thì mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tâm lý “lựa chọn vacxin”vẫn còn tồn tại phổ biến trong một bộ người dân để phá hoại chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của đất nước, nhằm mưu đồ gây ra và kéo dài những bất ổn xã hội do dịch bệnh sẽ nhanh chóng thất bại bởi chính sức miễn dịch từ liều vắc xin tâm lý đúng đắn, đang sinh kháng thể tích cực mạnh mẽ trong cộng đồng.

01.9. TMT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét