Tin giả trên mạng xã hội làm nhiễu loạn môi trường thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch Covid-19
Theo cơ quan chức năng, từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, đã có hàng triệu tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội; trong đó có nhiều tin đồn thất thiệt, tin giả với nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Giật gân, câu like
Ngày 29-8, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) đã phát hiện trên mạng xã hội lan truyền thông tin "Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển...". Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo. VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên. Vụ việc đang được chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Vừa qua, Công an quận Tân Phú, TP HCM đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Lân (SN 1974; ngụ quận Tân Phú) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Ông Lân đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng dòng trạng thái với tiêu đề "Một shipper buồn nhất thế giới và một thằng bán gas quá rảnh" kèm theo hình ảnh nhân viên cơ sở mai táng đang chuẩn bị giao hũ cốt trong giỏ nhựa tại hẻm 42 Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Bài viết đã thu hút rất đông sự quan tâm của cộng đồng mạng với hơn 2.900 lượt like, 780 bình luận, 1.300 lượt chia sẻ, trong đó có cả số đối tượng chống đối, phản động trong và ngoài nước. Qua điều tra ban đầu, ông Lân thừa nhận hành vi và cam kết không tái phạm, chỉnh sửa các tin, bài đã đăng trước đó và chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thông tin bịa đặt về tình hình dịch Covid-19, xuyên tạc các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng lương thực - thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cũng như các biện pháp chống dịch của TP HCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng thường xuất hiện trên mạng xã hội.
Mới đây, Công an huyện Bình Chánh đã xử phạt Lý Minh Vỹ (SN 1982) về hành vi đưa tin trên nhóm Facebook "Tôi là dân Vĩnh Lộc" không đúng sự thật. Vỹ khai nhận do trong thời gian giãn cách xã hội ở nhà rảnh nên đăng tải nội dung "Bắc thang lên hỏi ông trời, chứ tiền hỗ trợ có đòi được không" với mục đích... cho vui. Trong khi trước đó, Vỹ đã được nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ đợt 1 từ chính quyền địa phương.
Thận trọng khi tiếp nhận thông tin
Công an TP HCM nhận định trong thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đăng tải những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên trang mạng xã hội. Hằng ngày, hằng giờ, đủ tin đồn thất thiệt, tin giả trên mạng lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Những tin giả này len lỏi, gây hoang mang, làm lung lay niềm tin, làm méo mó suy nghĩ và nhận thức, dẫn đến những hành động không đúng của người dùng mạng xã hội. Nếu coi tin giả là nấm độc trên môi trường mạng thì đằng sau các nút like, share và comment chính là thái độ, nhận thức và văn hóa ứng xử của chính mỗi người dùng.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước những luồng thông tin trên mạng xã hội; không chia sẻ thông tin không chính thống; không lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận. Người dân nên tìm hiểu và cập nhật thông tin chính thống tại các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và các cơ quan báo, đài chính thống. Đối với các hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Công an TP HCM sẽ nhanh chóng điều tra, truy xét và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhìn nhận về việc chia sẻ thông tin giả mạo trên mạng, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) nói: "Bằng các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, không khó để cơ quan công an tìm ra kẻ tung tin ẩn danh trên mạng để xử lý. Không chỉ người tung tin giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà người góp phần chia sẻ thông tin cũng bị xem xét nếu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Quyết định 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ người dùng mạng xã hội phải tuân thủ những quy tắc ứng xử chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm.
Ngoài ra, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Hải Đăng ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét