Việc có nhiều loại
vaccine được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19 làm
cho nhiều người dân băn khoăn, chờ đợi lựa chọn loại này, không sử dụng loại
kia... Trong bối cảnh dịch đang bùng phát thì việc tiêm vaccine kết hợp thông
điệp 5K được cho là biện pháp duy nhất nhằm khống chế sự lây lan.
Thời gian qua, đâu
đó xảy ra hiện tượng một số người chờ đợi, nhờ vả, can thiệp để được tiêm loại
vaccine như mong muốn. Trên mạng xã hội đã lan truyền những thông tin không
đúng, không đầy đủ về tác dụng của vaccine phòng Covid-19... dẫn đến nhiều người
dân so sánh, cho rằng vaccine này tốt hơn vaccine kia; vaccine này tiêm vào sẽ
không có phản ứng, vaccine kia tiêm vào có nhiều tác dụng phụ không tốt...
Chính vì thông tin nêu trên, nhiều người dân do dự, trì hoãn việc tiêm vaccine
khi có cơ hội. Việc trì hoãn đó, đã làm cho số ca mắc mới tăng đáng kể, đây
chính là điều kiện giúp virus tiếp tục lây lan
nhanh gây thiệt hại về người và của.
Vậy câu hỏi được nêu
ra là vaccine nào an toàn và tốt nhất? Trả lời câu hỏi này, TS Kidong Park, Trưởng
đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Không có khái niệm vaccine nào tốt nhất, bởi
khi WHO phê duyệt vào danh sách vaccine phòng Covid-19 sử dụng khẩn cấp, thì
vaccine đó bắt buộc phải đạt tỷ lệ: bảo vệ, an toàn, miễn dịch từ 80 đến 95% mới
được cấp phép.
Hiện, có hàng chục
loại vaccine phòng Covid-19 đang được triển khai phát triển trên thế giới. Tuy
nhiên, mới có bảy loại được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. WHO
đang giám sát chặt chẽ, hiệu quả của các loại vaccine này trong thực tế, bao gồm
cả ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine. Tất cả các
vaccine này đang có hiệu quả rất tốt trong việc phòng ngừa, giảm triệu chứng nặng
và tử vong. Do đó, người dân hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt.
Cho đến thời điểm này, vaccine tiếp tục là công cụ bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh
nặng và tử vong khi đối mặt với biến thể Delta.
Làn sóng dịch
Covid-19 đang bùng phát tại nhiều nước, tỷ lệ nhiễm và chết tăng đột biến, phần
lớn những trường hợp nhiễm mới là chưa tiêm vaccine bởi nhiều lý do. Có những
trường hợp khi hấp hối trên giường bệnh đã làm video khuyến cáo người thân, người
dân đất nước mình và thế giới với lời nhắn nhủ:
Hãy tiêm bất kỳ loại
vaccine nào có sẵn khi đến lượt; đừng như tôi, đừng để thốt lên “giá như”...
khi đã quá muộn... Theo một nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy tất cả các vaccine
khi đã được WHO phê duyệt đều hiệu quả như nhau. Những người đã được tiêm
vaccine này đều làm giảm tỷ lệ nhập viện tới 92 đến 96%.
Theo Thứ trưởng Y tế
Trần Văn Thuấn, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine Việt Nam đã và đang nhập
khẩu sử dụng dao động quanh mức 80 đến 95%, có nghĩa những người được tiêm
vaccine sẽ giảm thiểu 80 đến 95% triệu chứng bệnh nặng phải nhập viện. Phần lớn
các vaccine đều có hệ số bảo vệ 98 đến 100% đối với nguy cơ tử vong. Do vậy, những
loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng tiêm chủng cho người dân đều có hiệu quả
bảo vệ tốt chống lại Covid-19 như nhau.
Ðồng chí Trần Văn Thuấn
cũng nhận định, trước làn sóng Covid-19 do biến thể Delta vẫn đang tăng, các quốc
gia trên thế giới tiếp tục vận động, yêu cầu người dân nhanh chóng tiêm vaccine
để tạo miễn dịch cộng đồng, thậm chí cho triển khai mũi tiêm vaccine bổ sung
(mũi thứ ba) sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng khan hiếm nguồn vaccine. Cũng
sẽ là khó khăn trong tiếp cận nguồn cung vaccine về Việt Nam, cho nên, thời điểm này, người dân hãy tiêm bất
kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt. Vaccine+5K vẫn đang là giải pháp thiết
thực hiệu quả, lâu dài mang tính quyết định để các quốc gia trên thế giới,
trong đó có Việt Nam bảo vệ người dân thoát khỏi Covid-19.
Theo thống kê của Bộ
Y tế, đến ngày 27/8, đã có hơn 27 triệu liều vaccine phòng Covid-19 được nhập về
Việt Nam, trong đó đã tiêm được hơn 19,2 triệu liều. Theo chiến lược vaccine
thì mục tiêu tiêm vaccine cho nhiều người dân trong thời gian sớm nhất nhằm tạo
miễn dịch cộng đồng cần được các địa phương, nhất là các tỉnh bị dịch đang tăng
mạnh, cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Thời gian qua, tiến
độ tiêm chủng vaccine ở Việt Nam đã được đẩy mạnh hơn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng
được yêu cầu đề ra, mới chỉ đạt 300 nghìn đến 400 nghìn mũi/ngày, trong khi đó
cần tiêm 500 nghìn mũi/ngày trở lên mới bảo đảm tiến độ. Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu
các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.
Mặt khác, người dân
không nên có tâm lý chờ đợi, lựa chọn, mà hãy tiêm vaccine sớm nhất khi có thể.
Tất cả các vaccine được WHO cấp phép đều đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây
nhiễm virus và giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm
các trường hợp phải nhập viện; các vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc chống
lại các biến thể Beta và Delta.../.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét