Nếu vị vua kiệt xuất, phi thường của dân tộc Việt Nam sống lâu thêm chục tuổi thôi, thì có lẽ đất nước đã sớm vươn lên về nhiều mặt, và biết đâu đã bước sang một trang hoàn toàn mới, với những tiến bộ từ rất sớm.
Quang Trung Hoàng Đế không chỉ là nhà quân sự lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử nước ta, là vị tướng bách chiến bách thắng mà ngài còn là một nhà chính trị xuất sắc. Từ sau chiến thắng huyền thoại Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung có những chính sách cải cách với tầm nhìn vượt thời gian khiến cho những hậu bối sau này khi nghiên cứu về thời đại của ngài phải thốt lên: Giá như vua Quang Trung sống lâu hơn.
Tư tưởng và chính sách mà vua Quang Trung đã ban bố chúng ta dễ dàng nhận thấy có bốn cái “đầu tiên” mà có lẽ phải hai trăm năm sau chúng ta mới đạt được sau khi phải đi qua nhiều cuộc trường kỳ với bao xương máu.
Thứ nhất, Quang Trung là người đầu áp dụng một nền giáo dục phổ thông cho dân chúng. Ngài cho mở trường học khắp các thôn xã. Những nơi nào không thể mở trường học thì mượn đình chùa làm nơi dạy dỗ.
Điều này, như chúng ta đã biết, mãi cho đến 1945, khi cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì mới có được thành tựu “trẻ em ai cũng được đến trường”.
Thứ hai, vua Quang Trung là người đầu tiên đã thực hiện một cuộc cách mạng dân tộc là dùng chữ Nôm trong tất cả các chiếu biểu, văn thư hành chính, tài liệu học tập. Ngài đã biến chữ Nôm thành văn tự chính thức của quốc gia.
Cũng như trên, chỉ khi chữ viết ngày nay của chúng ta được công nhận là chữ Quốc ngữ thì Việt Nam ta mới thực sự có được bộ văn tự chính thức, thêm một lần nữa sau chữ Nôm như thời đại Tây Sơn, mà không phải sử dụng chữ Hán.
Thứ ba, vua Quang Trung là vị vua đầu tiên có tư tưởng và cho thực thi việc thông quan buôn bán, giao thương tự do với nhà Thanh ở cửa khẩu và thương buôn phương Tây ở các hải cảng. Đó là thời đại thương nghiệp phồn thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Sau khi nhà Nguyễn lên thay, việc giao thương rất bị hạn chế, cho đến khi quân Pháp vào Việt Nam ta, nhưng đó không phải là nền thương nghiệp của một đất nước tự chủ nữa. Và có lẽ cho đến khi cấm vận kinh tế được dỡ bỏ năm 1994, chúng ta mới lại tiếp bước vua Quang Trung.
Thứ tư, thời đại Quang Trung là một thời đại ngoại giao vàng son. Từ xưa chưa có một vị vua nào tỏ vẻ lấn áp Trung Hoa như vua Quang Trung. Ngài với tư tưởng “các dân tộc bình đẳng” đã không thân hành đi đón sắc phong của vua Càn Long, hủy bỏ tục cống người vàng hàng năm cho Trung Hoa để “đền mạng Liễu Thăng” có kể từ thời vua Lê Thái Tổ.
Lại thêm một lần nữa, thành tựu của Tây Sơn bị gián đoạn bởi nhà Nguyễn. Các vua Nguyễn từ thời Gia Long chấp nhận sự không bình đẳng với nhà Thanh. Và cũng phải đợi đến khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc ta mới trở lại vị thế bình quyền với các quốc gia khác.
Tướng Vũ Văn Dũng khi nghe tin Quang Trung băng hà, làm thơ khóc:
Thời trước, thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hào Ðường, Tống hết khoe hùng.
Thật vậy, nếu vị vua kiệt xuất, phi thường của chúng ta sống lâu thêm chục tuổi thôi, thì có lẽ nước Việt ta đã sớm vươn lên về nhiều mặt, và biết đâu đã bước sang một trang hoàn toàn mới, với những tiến bộ từ rất sớm. Nếu nhà Vua sống thêm chục tuổi thì bên trong ổn định tình hình làm cơ sở vững chắc để Bắc phạt, lấy lại Lưỡng Quảng. Dòng họ của tướng Vũ Văn Dũng vẫn còn tờ chiếu của Vua, cử tướng Võ Văn Dũng đi sứ sang gặp Càn Long, cầu hôn công chúa, gã cho vua Quang Trung và xin lại đất Lưỡng Quảng. Thực chất là chọc giận Càn Long để tìm đường Bắc phạt. Sau khi phá 5 vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 và đánh tan 29 vạn quân Thanh năm 1789. Vua Càn Long và cả người Xiêm La sợ Vua Quang Trung như sợ cọp. Trẻ con Tàu, Xiêm không dám khóc đêm khi nghe tên Quang Trung...Quân Lục doanh và kể cả Bát Kỳ Mãn Thanh cũng chẳng là đối thủ của quân Tây Sơn...
Nhưng lịch sử không có chữ nếu, và sự ra đi của Hoàng Đế Quang Trung khi còn rất trẻ, ở tuổi 39, mãi mãi là niềm tiếc nuối khôn cùng của hậu nhân. Quang Toản nối nghiệp cha nhưng còn non dại. Thái sư Bùi Đắc Tuyên chia bè, kết đảng, các tướng tàn sát lẫn nhau. Tây Sơn tự hủy diệt mình chứ không phải Nguyễn Ánh tài ba. Vua Quang Trung mất sớm. Đó là nỗi đau của dân tộc và cũng là tiếc nuối khôn nguôi của hậu nhân về viễn cảnh một Đại Việt hùng cường và quật khởi./.
(fb Mai Ngọc Quý)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét