Theo từ điển Tiếng việt, về danh từ, công thần là những quan có công lớn với triều chính. Bệnh công thần là những người có tư tưởng dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo và đòi hỏi đãi ngộ quá đáng. Đây là căn bệnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Khi nhắc đến bệnh công thần, Người đã từng phân tích bệnh công thần là: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm”.
Hiện nay, một số cán bộ đảng viên và quần chúng dựa vào chút công lao đóng góp ít ỏi thuộc nghĩa vụ, trách nhiệm của mình cho mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình chiến đấu, lao động, công tác... nhưng có lối sống thực dụng, kiêu ngạo, hay đòi hỏi đãi ngộ quá đáng, nếu không được đáp ứng thì lập tức có những phản ứng cực đoan để rồi nói, làm, viết trái với chủ trương, đường lối của Đảng; pháp luật của Nhà nước, thậm chí coi thường kỷ cương, kỷ luật Đảng, bất chấp pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định của địa phương.
Đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đều ý thức được rằng, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Do đó, việc đem trí tuệ, sức lực, thậm chí sinh mạng để lao động, sáng tạo, phấn đấu là hiển nhiên, thể hiện sâu sắc quyền, nghĩa vụ đã được hiến pháp quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên và quần chúng có tư tưởng, hành động so đo, xét lại từ lối sống thực dụng. Coi chút thành tích, công trạng của mình là to lớn, hơn người mà tỏ ra huênh hoang; coi thường tổ chức, coi thường người khác. Thậm chí, vì những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan, đơn vị mà tổ chức không thể đãi ngộ thỏa đáng thì tỏ ra tiêu cực, chống đối, coi thường, thù hằn và có những hành động nói, làm, viết trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Đương nhiên, họ không tự biết mình đang nhiễm căn bệnh “công thần, kiêu ngạo” và tự đánh mất mình.
Bệnh “công thần” là loại “siêu vi rút” ẩn nấp, luồn lách khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Tuy vậy, những người “mắc bệnh” thường có những biểu hiện rất dễ nhận biết. Đối với cán bộ, đảng viên thì biểu hiện đầu tiên là kiêu ngạo, sa vào lối sống thực dụng, sa sút ý chí phấn đấu; giảm sút niềm tin vào Đảng; phai nhạt lý tưởng cộng sản, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Lâu dần trong quá trình tự thúc đẩy từ bên trong của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến đến viển vông chủ nghĩa, so đo, đố kị, không còn ý thức rèn luyện, phấn đấu, tách mình ra khỏi tổ chức, coi thường tổ chức, thực hiện nói, viết và làm trái với cương lĩnh, xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng. Đấu tranh đòi hỏi quyền lợi, chế độ một cách vô lý, không có trong quyền và nghĩa vụ chính đáng mình được hưởng.
Để đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ bệnh “công thần”, trước tiên, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng cần tự soi, tự sửa để xem mình và những người xung quanh mình đã nhiễm “căn bệnh” đó chưa để có biện pháp kịp thời “chữa trị”. Đi đôi với đó, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường quan tâm chăm lo xây dựng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Để làm được như vậy, cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”... Thông qua đó, tạo sự chuyển biến thành hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên, tại mỗi tổ chức cơ sở đảng bằng cách gắn thực hành đạo đức cách mạng với phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu,góp phần quan trọng xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Điều không kém phần quan trọng để đẩy lùi, ngăn chặn bệnh “công thần” là cần kiên quyết đấu tranh phòng chống lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện rèn luyện đạo đức cách mạng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét