Câu chuyện sính bằng cấp nhiều năm gần đây luôn là vấn đề nóng
trong cộng đồng xã hội, nhất là trên không gian mạng.
Nhiều ý kiến đa chiều, nhưng bao trùm vẫn là luồng ý kiến bày tỏ
sự băn khoăn trước nạn “chạy bằng cấp” và hiện thực có phần vô lý về việc phải “lo”
bằng cấp một cách hình thức, mà ít chú trọng đến năng lực thật của cán bộ trong
quá trình đánh giá, sử dụng.
Mới đây, một cán bộ nọ “ới” tôi qua điện thoại: “Cuối tuần, đồng
chí phải sắp xếp về liên hoan với tôi nhé. Tôi vừa tậu thêm một cái bằng đỏ au
nữa rồi đấy!”.
Nói rồi, anh kể về quá trình vừa học, vừa làm của mình. Vất vả,
gian nan lắm, nhưng phải cố gắng theo đuổi đến cùng để có cái bằng không thể
thiếu trong tiêu chí bổ nhiệm cương vị mới.
Câu chuyện tương tự như trên giờ diễn ra khá phổ biến, như thể cán
bộ đang phải chạy đua kiếm tìm bằng cấp. Bởi lẽ, nếu cán bộ không sớm lên kế
hoạch, tranh thủ thời cơ đi học cho đầy đủ bằng cấp thì dù có năng lực, thậm chí
là có tài năng thì vẫn rất dễ rơi vào nguy cơ “giậm chân tại chỗ”. Hơn thế, có
thêm bằng cấp, chứng chỉ là thêm phần danh giá, như thể con người ta được cộng đồng,
tổ chức, dòng họ coi trọng hơn. Chính cái tâm lý xã hội ấy và tình trạng đề cao
tiêu chí về bằng cấp, đã biến không ít cán bộ, đảng viên, công chức trở thành “nạn
nhân” trên dặm dài kiếm tìm, chinh phục các loại bằng cấp, chứng chỉ. Ai cũng háo
hức đi học, hoặc “ngậm đắng nuốt cay”, khắc phục mọi khó khăn để “theo nghiệp đèn
sách”, đặng lấy được những loại giấy tờ để làm... tiền đề cho danh vọng. Cùng
với đó là hệ lụy về nạn "chạy bằng", mua bằng, làm bằng cấp giả... gây
nhức nhối xã hội; hay tình trạng cán bộ đua nhau ra nước ngoài “tìm kiếm bằng
cấp”, dẫn đến một thực tế là hàng chục nghìn văn bằng quốc tế chưa đủ, hoặc không
đủ điều kiện được công nhận, mặc dù người học đã bỏ ra chi phí rất lớn để sở
hữu tấm bằng này.
Thực tế cho thấy, học là việc thiết yếu đối với mỗi con người nói
chung, cán bộ nói riêng. Nó giúp cán bộ bồi đắp kiến thức, làm giàu tri thức,
từ đó mà nâng cao năng lực, kỹ năng công tác, tạo thêm những giá trị nhân cách
làm người, làm cán bộ. Và, theo ý nghĩa đích thực, tích cực thì bằng cấp là sự
xác nhận có tính chất pháp lý, động lực phấn đấu cần thiết của các cá nhân
trong quá trình tích lũy, học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được
giao. Thế nhưng, nếu nhầm tưởng giữa việc học với việc thực hiện mục tiêu lấy
bằng cấp; lẫn lộn giữa cái đích học để tiến bộ với học để tạo cái danh hão, cái
vỏ bọc để tiến thân thì đó quả là một sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng!
Trong thực tiễn,
có không ít cán bộ dù không nhiều bằng cấp nhưng sự trải nghiệm từ thực tiễn công
tác, đúc rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc đã giúp họ trở thành những nhân tài
của đất nước. Họ lăn lộn vào thực tiễn và được thực tiễn rèn giũa, kiểm nghiệm.
Cũng qua đó, họ trở thành các cán bộ xuất sắc vì được học ở đồng đội, ở nhân dân,
học qua công việc được giao trên cơ sở nền tảng lý luận cơ bản. Thế nhưng đáng
buồn là hiện nay vẫn còn những cán bộ tài năng, đức độ, được đồng đội, đồng
nghiệp nể phục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức đoàn thể giao phó, nhưng vì
nhiều lý do khác nhau lại không có điều kiện bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về
bằng cấp, chứng chỉ nên buộc phải “an phận” với những vị trí công tác không hề tương
xứng. Bấy giờ, không ít ý kiến thẳng thắn, bày tỏ tiếc nuối: Đáng ra đồng chí ấy
phải phát triển cao hơn; đáng ra tổ chức phải trọng dụng anh ấy. Đó là một sự lãng
phí về nguồn lực con người.
Nói đến đây, chúng
ta có thể liên tưởng về việc áp đặt tiêu chí bằng cấp chẳng khác gì một “chiếc còng”, vô tình
trói buộc chính đội ngũ cán bộ. Thế nhưng trong thực tế, nhiều cán bộ chỉ dám rỉ
tai nhau, chứ chưa dám thể hiện chính kiến, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc
phải sớm nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh các quy định một cách phù hợp. Thậm
chí, nhiều cán bộ còn "mũ ni che tai", chấp nhận hiện tượng sính bằng
cấp một cách đầy nghịch lý.
Việc trọng bằng cấp là một trong những nguyên nhân khiến hiện tượng dùng bằng giả và "chạy bằng cấp" đã và đang nở rộ; trở thành biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống được Ban Chấp hành Trung ương xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Không ít câu chuyện về bằng cấp của cán bộ gây nhức nhối dư luận và tạo ra gam màu tối trong xã hội. Từ nguồn tin của quần chúng và qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện nhiều người sử dụng bằng giả để được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, được thăng quan tiến chức, “leo cao, chui sâu” vào hệ thống chính trị. Với vi phạm này, nhiều cán bộ đã bị cách chức, giáng chức, buộc chuyển công tác và bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc; nhưng xem ra việc giải quyết thực trạng này mới ở phần ngọn. Vì vậy, việc chống tư duy sính bằng cấp, hành vi "chạy bằng", làm bằng giả cần phải có biện pháp có tính toàn diện, giải quyết vấn đề từ gốc rễ; mà trước hết phải bắt đầu từ việc sớm thay đổi tư duy, cung cách ứng xử của con người đối với bằng cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét