Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, kể từ khi tìm được con đường cứu dân, cứu nước cho đến lúc vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo, săn sóc đến sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ, luôn dành cho họ “muôn vàn tình thương yêu” và một niềm tin vững chắc vào khả năng to lớn của tuổi trẻ Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên là một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước
vĩ đại, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế. Ở Người, trong tư
tưởng, tình cảm và phong thái, trong con đường cứu nước và sự nghiệp cách mạng,
có sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn của cách mạng
Việt Nam. Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên còn là sự
thể hiện chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh về con người. Bác cũng nhìn thấy thanh
niên là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới trong tương lai, một xã hội
tươi đẹp, không có người bóc lột người, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Do vậy, bồi
dưỡng thế hệ cách mạng là một vấn đề đặc biệt quan trọng của cách mạng và của
Đảng ta.
Xuất phát từ luận điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nếu quần chúng được giác ngộ
cách mạng nhất định sẽ làm nên được những sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà lịch sử
đã giao phó. Tư tưởng trên được Bác Hồ vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt
Nam trong việc chăm lo bồi dưỡng các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Đây là
trách nhiệm không thể thoái thác được của các thế hệ trước đối với thế hệ sau.
Theo quan điểm của Người, bồi dưỡng không chỉ để cho thế hệ sau trở thành những
gì đúng như thế hệ trước đã có, mà còn vượt lên những gì thế hệ trước mong muốn
nhưng chưa thực hiện được, do những điều kiện lịch sử quy định hoặc hạn chế, mà
chỉ đến thế hệ sau mới làm được. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “nếu thế hệ già khôn hơn
thế hệ trẻ thì không tốt, thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không
hơn là bệt. Bệt là không tốt”. Bác vẫn thường nhắc lại những câu tục ngữ quen
thuộc: “con hơn cha là nhà có phúc”, “măng mọc quá tre”, “tre già măng mọc” để
nói lên những mong muốn đối với thế hệ trẻ, những kỳ vọng đặt vào lớp con cháu
đang nối tiếp mình. Bồi dưỡng cho thế hệ trẻ là để trao vào tay họ cả tương lai
và vận mệnh của đất nước.
Trong các thế hệ,
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là đặc biệt quan trọng khi Bác nói: “phải bồi
dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,
vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, với mục tiêu của chiến lược “trồng
người” là “dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động
tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Bác hiểu hơn ai hết
thế nào là sự khó khăn của một dân tộc phải bỏ qua những bước đi lớn của lịch
sử để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quan tâm giáo dục thế hệ trẻ năng động nhất
trong các thế hệ, đó là nhãn quan chính trị thiên tài của một lãnh tụ vĩ đại.
Và cũng chính vì lẽ đó ngay từ lúc này thế hệ trẻ phải được chuẩn bị, tức là
phải được chăm lo giáo dục về mọi mặt để họ đảm nhiệm những công việc của ngày
mai khi thế hệ già hôm nay không còn đến ngày ấy. Do vậy, việc xây dựng chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn là phụ thuộc vào thế hệ trẻ - thế hệ
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đang sinh thành và phát triển hôm nay.
Nhìn lại toàn bộ di sản tinh thần và cuộc
đời hoạt động thực tiễn cách mạng mới thấy, Bác Hồ luôn luôn quan tâm một cách
nghiêm túc và thiết tha vấn đề chăm lo bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ.
Người quan niệm đó là sự cần thiết của một đất nước, một tương lai của một dân
tộc. Khi nói đến thế hệ trẻ, trong Di chúc Bác đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân
ta: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ thành những người
kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Sự chăm lo của Đảng
đến thế hệ trẻ bao gồm nhiều mặt nhưng chủ yếu là xác định một đường lối chiến
lược đối với họ và nó phải được cụ thể hoá thành chủ trương, chính sách.
Quan tâm chăm lo đến thế hệ trẻ ở Hồ Chí
Minh là cần làm cho họ thấy được những thuận lợi, khó khăn phức tạp đang và sẽ
đặt ra cho họ mà họ cần phải thực hiện, có nhận thức được đầy đủ vấn đề đó, thế
hệ trẻ mới có quyết tâm và nghị lực để làm lên sự nghiệp lớn. Ngày nay, khi
cách mạng nước ta đã bước vào giai đoạn mới, lời dạy của Bác Hồ càng nhắc nhở
chúng ta quan tâm đến vấn đề chăm lo giáo dục thanh niên là một vấn đề của
chiến lược cách mạng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực, trong nước
có những diễn biến phức tạp hiện nay, chúng ta lại càng phải quan tâm nhiều hơn
và làm tốt hơn vấn đề vừa “hồng”, vừa “chuyên” để họ thực sự trở thành chủ nhân
của công cuộc kiến tạo một xã hội mới, xã hội chủ nghĩa. Người nêu rõ: “Non
sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài
vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ
một phần lớn ở công học tập của các em”. Đây là nhiệm vụ đối với dân tộc, đất
nước và cũng là trách nhiệm “để đền bù lại công lao to lớn của những người đã không
tiếc thân, tiếc của để giành lại nền độc lập tự do cho nước nhà”.
Thực tiễn lịch sử 89 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 50 năm thực hiện Di chúc
của Người, các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn xứng đáng với sự tin cậy của
Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây
dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay họ đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào
sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những
tấm gương, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác
đã thuộc về tuổi trẻ Việt Nam. Thanh niên hăng hái xung kích, đi đầu trong thực
hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, nổi bật là hai phong
trào lớn: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, được tiến hành cụ thể ở
bốn chương trình hành động: “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn
vinh”, “Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng
tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể thao”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi
trường” đã minh chứng sâu sắc cho điều đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình
quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch đang tìm
mọi kẽ hở để gieo rắc những “mầm” độc vào môi trường tư tưởng, văn hoá, lối
sống trong thanh niên; một bộ phận thanh niên thiếu niềm tin vào vai trò lãnh
đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới. Đáng lo ngại hơn là một bộ
phận thanh niên đang chây lười trong học tập, rèn luyện từng bước thoái hoá hư
hỏng, giảm xút về tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu vươn lên xa vào các tệ
nạn xã hội, các hiện tượng lệch chuẩn thần tượng, a dua thoe các trào lưu xấu
trên mạng xã hội…
Con đường đi lên của các thế hệ thanh niên
Việt Nam vẫn luôn được chiếu sáng bởi những tư tưởng cách mạng và khoa học của
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Thực hiện Di chúc của Người, thế hệ thanh niên
Việt Nam hãy suy nghĩ và hành động theo tấm gương và lời dạy của Bác để khẩu
hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn luôn
là hiện thực, là chân lý tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét