Cuộc trò chuyện của Hồ Chủ Tịch và luật sư Nguyễn Mạnh Tường có
thể nói là một hình ảnh tuyệt đẹp về mối quan hệ giữa trí thức và cách mạng.
Tạp chí Xưa và Nay, số 286, tháng 6/2007 có đăng lại trích đoạn hồi kí viết bằng tiếng Pháp của luật sư, nhà trí thức yêu nước Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) kể lại cuộc gặp gỡ đầy cảm động của ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua họp ở Việt Bắc mùa Xuân năm 1952.
Trong cuộc gặp
gỡ này, với một sự chân thành hiếm thấy, luật sư Tường đã tâm sự với vị Chủ
tịch nước về hành trình “lột xác” đầy gian khó của mình từ một trí thức thành
thị trở thành một trí thức của kháng chiến. Hồ Chủ Tịch đã lắng nghe những ý
kiến của ông, một trí thức “không bị giam mình trong một đảng phái chính trị
nào, không bị gò bó trong một giáo lí cứng nhắc nào”, trình bày về việc xây
dựng Nhà nước của Dân và vì Dân liên quan tới hệ thống phúc lợi và an sinh xã
hội; về việc phân quyền trong bộ máy Đảng và Nhà nước; về vấn đề trách nhiệm cá
nhân của người lãnh đạo; về những nguy cơ làm biến chất một chính Đảng khi
chính Đảng đó trở thành chính Đảng cầm quyền duy nhất. Trong những ý kiến của
ông, nhiều ý kiến còn có giá trị tham khảo cho ngày nay, điển hình như ý kiến
cho rằng: “Tất cả mọi vi phạm pháp luật phải dẫn tới trách nhiệm không chỉ
chính trị (khai trừ khỏi Đảng), hành chính (cắt chức, hạ chức, cho về hưu) mà
còn cả hình sự (tịch thu, tiền phạt, án tù). Phải quyết định trách nhiệm bao
giờ cũng là cá nhân vì trách nhiệm tập thể là vô nghĩa. Mọi quyết định đều phải
mang một chữ ký, người ký tên chính là người sẽ phải đưa ra xét xử”.
Cuộc trò chuyện
của Hồ Chủ Tịch và luật sư Nguyễn Mạnh Tường có thể nói là một hình ảnh tuyệt
đẹp về mối quan hệ giữa trí thức và cách mạng. Nó đẹp trong thái độ thành thật
và trách nhiệm trí thức của Nguyễn Mạnh Tường. Và nó còn đẹp hơn nữa trong sự
lắng nghe của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước những ý kiến dẫu có thể còn nhiều bồng
bột nhưng hết sức chân thành của một trí thức ngoài Đảng. Đó là thái độ của một
người “hiểu rõ giá trị một cương vị, và trên cương vị một lãnh tụ, chịu trách
nhiệm về số phận của một dân tộc, mà vì vậy không thể tự cho phép mình, qua một
giọng nói nào, một nét mặt nào, một động thái nào của con mắt hoặc bàn tay,
biểu thị một dấu hiệu vội vã, nhẹ dạ, tự phát, thiếu suy nghĩ, không tự kiềm
chế được và bật ra từ bề sâu tình cảm”.
Sẽ là thừa khi
một lần nữa nhắc lại rằng cuộc Cách mạng tháng Tám là cuộc Cách mạng vĩ đại
nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc lại một hiện tượng
đặc biệt. Đó là sau Cách mạng tất cả văn nghệ sĩ, thuộc tất cả những trào lưu,
trường phái khác nhau và nhiều khi đối lập nhau đều đi theo cách mạng và trung
thành với cách mạng cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời mình, kể cả những
người mà trong cuộc đời đã phải chịu những oan khuất do những sai lầm của lịch
sử. Hãy nhớ lại cử chỉ tuyệt đẹp của Hồ Chủ Tịch khi người trao tất cả quyền
hành của mình cho chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian người sang đàm phán
tại Pháp. Vậy mà trước đó chưa lâu, chính cụ Huỳnh là người có những phê phán
hết sức gay gắt chủ nghĩa cộng sản và Đảng cộng sản trên tờ Tiếng dân của cụ.
Đâu là cội nguồn của điều kì diệu ấy? Phải chăng chính là niềm tin tuyệt đối
trên cơ sở một lí tưởng chung cao cả nhất: quyền lợi của dân tộc. Niềm tin ấy
đã làm hóa giải những nghi ngờ, những sai lầm có thể có. Chính vì niềm tin ấy
nên con trai của học giả, trí thức Phạm Quỳnh, người bị Cách mạng xử, mới có
thể tự nguyện trở thành người nhạc sĩ Cách mạng xuất sắc. Và hơn nữa, có thể
nói, cuộc Cách mạng đã đem đến một điều “cần thiết hơn trăm nghìn điều khác”,
một điều mà như chính nhà phê bình Hoài Thanh đã nói trong Thi nhân Việt Nam cả
thế hệ Thơ mới tìm kiếm mà không thể có được: “Một niềm tin đầy đủ”.
Cách mạng tháng
Tám đã để lại một bài học lớn về mối quan hệ giữa một chế độ và tầng lớp trí
thức. Mối quan hệ ấy được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự trân trọng phẩm
tính trí thức đích thực. Người trí thức cần được ứng xử không chỉ như những
chuyên gia mà quan trọng hơn, như những con người luôn giữ được vị thế “độc lập
suy nghĩ”. Bài học đó còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Theo LƯƠNG XUÂN HÀ / TẠP CHÍ
TIA SÁNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét