Những
ngày qua, hai bài viết dưới dạng thư “khẩn” đăng trên trang cá nhân của một
người có lượng theo dõi khá lớn trên Facebook thu hút sự quan tâm của đông đảo
người dùng MXH. Người này viết thư “khẩn” gửi một đồng chí lãnh đạo Thành ủy TP
Hồ Chí Minh. Nội dung thư đề nghị lãnh đạo Thành ủy chỉ đạo gấp việc cấp cứu
một nữ bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch (sau đó, bệnh nhân này đã tử
vong). Lời lẽ trong hai bức thư vô cùng thống thiết, bày tỏ sự vô vọng khi đã
“chờ hàng giờ đồng hồ” nhưng “cơ quan chức năng của phường, quận không một ai
đến xét nghiệm, đưa họ đi bệnh viện, dù họ đã kêu gào trong điện thoại...”.
Vì nội dung được đăng trên trang cá nhân của một người có lượng
theo dõi, tương tác khá lớn trên MXH nên những bài viết trên đã gây sốc dư luận.
Bên cạnh một bộ phận người dùng MXH bày tỏ sự lo lắng, bất an, chỉ trích chính
quyền, cơ quan chức năng “vô cảm”, “vô trách nhiệm” với người dân, rất nhiều
người đã lên tiếng bằng những bài viết thẳng thắn, phân tích sâu, có lý, có
tình trước việc làm của chủ tài khoản nói trên.
Theo đó, cái gọi là thư “khẩn” gửi lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí
Minh thực chất là một kiểu thông tin mị dân, gây sốc, mang thông điệp ám chỉ,
chỉ trích vô căn cứ thái độ, trách nhiệm của chính quyền và hệ thống chính trị
các cấp trong nhiệm vụ chống đại dịch Covid-19. Đây là biểu hiện của thái độ
lấy mục đích biện minh cho phương pháp, gây tác động tiêu cực đến đời sống xã
hội.
Những bài
viết phê phán hai bức thư “khẩn” của người này trên MXH đã chỉ rõ: Trên thực
tế, nếu cần phải “cầu cứu khẩn cấp” trong tình huống cấp cứu bệnh nhân nguy
kịch, thời gian chỉ tính bằng phút, người ta phải gọi điện thoại ngay cho y tế,
chính quyền cơ sở chứ không ai lại rảnh rang đi viết thư trên MXH gửi lãnh đạo
Thành ủy. Rõ ràng, cách làm này rất thiếu thiện chí. Ngoài việc gây sốc, tạo cớ
cho các thế lực thù địch lợi dụng, thúc đẩy âm mưu dân túy, công kích, hạ bệ uy
tín tổ chức đảng và chính quyền các cấp, gây khó khăn cho nhiệm vụ chống dịch,
nó hoàn toàn không đem lại bất cứ hiệu quả gì cho đời sống xã hội.
Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo địa phương đã lên tiếng, cung cấp
đầy đủ bằng chứng khẳng định nội dung người này phản ánh trên MXH là hoàn toàn
sai sự thật. Bệnh nhân tử vong là do bệnh phổi lâu năm diễn biến nặng, không
liên quan gì đến Covid-19. Sự việc cũng hoàn toàn không có chuyện “chờ hàng giờ
đồng hồ”, “gào lên trong điện thoại mà y tế phường, quận không một ai đến”, bởi
khi kiểm tra lịch sử cuộc gọi đến số điện thoại y tế phường, cho thấy gia đình
gọi lúc 15 giờ 36 phút thì lực lượng y tế phường đã đến nhà bệnh nhân lúc 15
giờ 45 phút.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên chủ tài khoản MXH nói
trên có hành động viết thư gửi lãnh đạo các cấp trên trang cá nhân. Trước đó
không lâu, người này cũng đã viết thư gửi lãnh đạo Chính phủ và một số cơ quan,
cá nhân, cũng với những nội dung, thông điệp mang tính ám chỉ, mị dân...
Đại bộ
phận công chúng đều hiểu, đó là thái độ, việc làm thiếu thiện chí, thiếu tinh
thần xây dựng. Xin trích đăng một số bài viết của người dùng MXH phản ứng trước
việc làm nói trên trong những ngày qua để thấy rõ hơn vấn đề này. Nhà báo T.X.T
viết: “Nếu bạn thấy khẩn cấp, cần thiết phải làm điều gì ngay lập tức, không
thể chần chừ thì với khả năng và mối quan hệ riêng mà bạn có, hãy nhấc điện
thoại gọi một lãnh đạo nào đó của thành phố hay một lãnh đạo HCDC... Bạn viết
lên Facebook làm gì? Còn ghi là “thư khẩn cấp nữa”. Tôi không đồng tình cách
làm việc kiểu dân túy của bạn. Vì làm vậy, bạn chỉ gây khó khăn thêm cho công
tác chống dịch chung của chúng ta mà thôi...”.
Còn đây là bài viết đăng trên trang cá nhân của nhà báo N.H.L:
“Cấp cứu bệnh nhân mà không gọi bác sĩ, không đến bệnh viện, lại đi gọi Bí thư
Thành ủy. Đã thế lại còn bằng cách viết Facebook, lồng vào đó toàn chuyện
Covid-19 liên quan đến gia đình và bản thân cá nhân mình... Sự làm màu, rách
việc, ác thay lại tạo "trend", được chia sẻ khá rầm rộ trên không
gian mạng. Nỗi lo về Covid-19, sự quá tải, mối nguy hiểm đến từng người dân
càng trở nên đáng sợ hơn, gây hoang mang. Đã không ít người đọc nhầm lẫn, bình
luận bày tỏ bất bình vì chính quyền đang vô cảm, thờ ơ, không lo cho dân, nhất
là người nhiễm Covid-19. Tôi nghĩ ông nên thôi chơi trò từ thiện dân túy này
đi...”.
Theo dõi
trên MXH, dễ thấy những bài viết kiểu mị dân như trên không hiếm. Đứng trước
một sự việc, một vấn đề nào đó gây bức xúc trong đời sống cá nhân, cộng đồng,
xã hội, họ lại lên mạng viết thư, nêu đích danh người nhận là các đồng chí lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân các đồng chí đứng đầu các
bộ, ngành, địa phương... với lời lẽ rất thống thiết, bày tỏ lòng thương dân sâu
sắc. Đây là một kiểu mị dân, đánh tráo khái niệm nhằm vào tâm tư, nguyện vọng
và những bức xúc trong đời sống xã hội để gieo rắc tư tưởng đối lập giữa dân
với chính quyền, hạ thấp uy tín của hệ thống chính trị các cấp. Đó cũng chính
là những dấu hiệu của mầm mống quan điểm, tư tưởng dân túy, tạo môi trường cho
các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, đả kích, chống phá...
Sau những thông tin kiểu mị dân nói trên, đại diện cơ quan chức
năng các cấp đã lên tiếng bác bỏ, cung cấp đầy đủ bằng chứng thuyết phục khẳng
định đó là những thông tin sai sự thật. Đó là sự phản ứng cần thiết và kịp
thời. Tuy nhiên, một bộ phận truyền thông hải ngoại phát tiếng Việt và nhiều
tài khoản trên các nền tảng MXH vẫn cố tình không hiểu, lập lờ đánh lận con
đen, sử dụng chiêu bài la làng để lèo lái dư luận.
Theo Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), chỉ tính riêng
trong tháng 7-2021, trên các báo, đài nước ngoài như BBC, RFA, Việt Nam thời
báo... đã có hàng trăm bài có nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19. Nội
dung chủ yếu tập trung xuyên tạc về công cuộc phòng, chống dịch của Việt Nam,
kích động gây hoang mang, chia rẽ giữa người dân và cấp ủy đảng, chính quyền...
Những nội dung được một bộ phận người dùng MXH trong nước đăng tải mang màu sắc
mị dân như trên được một bộ phận truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với
Việt Nam, truyền thông và MXH người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng thù địch
khai thác, phân tích, bình luận với tần suất lớn.
Trong lúc cả nước ta, đặc biệt là tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh và
các tỉnh, thành phố phía Nam, đang tiếp tục triển khai những giải pháp quyết
liệt chống dịch, với sự đồng thuận của đại bộ phận người dân thì mạng lưới
truyền thông thù địch cũng ra sức tuyên truyền theo hướng đối nghịch. Những bài
viết, video clip với tựa đề sặc mùi kích động, kiểu như: “Việt Nam-cơn ác mộng
mới bắt đầu”, “Cuộc tháo chạy lịch sử”... được đăng, phát liên tục. Mục đích
của họ là muốn Việt Nam thất bại trong cuộc chiến chống dịch, tạo cớ gây bất ổn
trật tự trị an cục bộ ở các địa phương tâm dịch, kêu gọi người dân xuống đường
biểu tình, phản đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị đất nước, dấn sâu
từng bước thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ...
Hàng loạt giải pháp linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và sự
đồng lòng vào cuộc của nhân dân cả nước đã và đang tiếp sức mạnh mẽ cho TP Hồ
Chí Minh cùng các tỉnh phía Nam chống dịch. Hiệu quả và những tín hiệu tích cực
đã và đang được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
chắc chắc sẽ còn diễn biến cam go, phức tạp, kéo dài.
Ngăn chặn mầm mống dân túy với chiêu thức phổ biến là mị dân thì
phải bằng chính sức mạnh đoàn kết, thống nhất của toàn dân. Ngăn chặn nguy cơ
bất ổn phải bằng xây dựng, củng cố sự ổn định đời sống kinh tế-chính trị-văn
hóa-xã hội của nhân dân từ cơ sở, từ tâm dịch. Cùng với những hành động thiết
thực, ân nghĩa, trách nhiệm trên thực tế, rất cần những hành động tương ứng,
mạnh mẽ trên không gian mạng.
Người dùng MXH cần thể hiện thái độ tỉnh táo, trách nhiệm công
dân đúng đắn, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực, thường xuyên cập nhật
thông tin từ mạng lưới báo chí, truyền thông chính thống. Đứng trước những hành
động, bài viết có tính mị dân, xuyên tạc, cần bày tỏ thái độ, quan điểm đấu tranh
đúng đắn để ngăn chặn sự lây lan tư tưởng xấu độc. Không gian mạng là tấm gương
phản chiếu đời sống thực. Mỗi người dân cần thể hiện thái độ thiện chí, mang
tinh thần xây dựng, đồng lòng, hợp sức cùng Chính phủ ngăn chặn, tiến tới đẩy
lùi đại dịch Covid-19, góp phần lành mạnh hóa đời sống văn hóa trên không gian
mạng...
Mai Năm Mới (ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét