Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những thói hư, tật xấu mà chế độ cũ để lại như lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”(2). Đó là bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ và những bệnh khác. Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tiến lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và có những kẻ địch chống lại cuộc cách mạng đó. “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”(3). Một loại kẻ địch khác là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen. “Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét