Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Chuyên gia: Tổ chức cứu trợ ngay để người dân 'ở đâu yên đấy'

Sau thời gian dài giãn cách, nhiều lao động ngoại tỉnh đã cạn kiệt tích lũy, do vậy chính quyền cần hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm khi giữ chân họ ở lại vùng dịch. Công điện hôm 31/7 của Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16 kiểm soát nghiêm ngặt, thực hiện ngay biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Một số chuyên gia cũng cho rằng cần triển khai các gói hỗ trợ cấp bách để giữ chân người lao động. Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia nghiên cứu chính sách công, nhìn nhận câu hỏi thường trực với nhiều lao động đang ở trong phòng trọ, không thể ra đường lúc này là "những ngày tới sống như thế nào", khi chưa trả lời được thì việc người dân chọn cách về quê là điều dễ dàng nhìn thấy trước. "Các cơ quan chức năng cần có thông điệp rõ ràng và tổ chức một đợt cứu trợ ngay cho các nhóm lao động đang gặp khó khăn ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam", ông Đồng đề xuất. Việc cứu trợ nên được chia làm hai giai đoạn: ngắn hạn (kéo dài khoảng một tháng đầu tiên) và trung hạn (tháng tiếp theo). Trong giai đoạn ngắn hạn, chính quyền nên cứu trợ bằng tiền mặt và thức ăn, nhu yếu phẩm cho tất cả lao động ngoại tỉnh chưa về quê; nên ưu tiên nhóm công nhân, lao động tự do đang phải đi thuê trọ trước. "Tiền mặt trao tay để họ trả tiền phòng trọ, mua nhu yếu phẩm hằng ngày", ông Đồng nói và đề xuất thành phố giao tổ dân phố, chính quyền cấp xã, phường lập danh sách người lao động cần hỗ trợ. "Trong giai đoạn cấp bách có thể chấp nhận chuyện sai số phần nào để cứu đói trước. Nếu còn chờ đợi bình xét bằng tiêu chí phù hợp hay không, thủ tục, giấy tờ xác nhận thì sẽ không kịp thời. Trong khi đó, rất nhiều lao động đã mất việc, kiệt quệ suốt hai tháng nay", ông Đồng nói. Theo ông, thành phố có thể huy động nguồn xã hội hóa, các hội nhóm từ thiện, đồng hương cùng tham gia để giảm tải, trong khi chính quyền giữ vai trò điều phối. Để đảm bảo chính sách an sinh trở thành "lưới đỡ" cho tất cả lao động khó khăn lúc này, các tỉnh thành có thể lập đường dây nóng, tạo ứng dụng trực tuyến để tiếp nhận yêu cầu của người dân. Theo đại biểu Quốc hội, GS Hoàng Văn Cường, Chính phủ đã chỉ đạo miễn giảm một phần tiền điện, nước, lúc này chính quyền địa phương nên xem xét vận động chủ nhà trọ miễn tiền phòng trong 1 - 2 tháng cho lao động ngoại tỉnh. Ông tin rằng với tấm lòng hào hiệp thì người dân sẵn lòng chung tay làm việc này. Bên cạnh nhu yếu phẩm, lao động xa quê cũng cần được hỗ trợ, động viên về mặt tinh thần. Nhóm này cần được tiêm vaccine sớm vì họ là lực lượng trực tiếp sản xuất, làm việc trong nhà máy, xí nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ tiếp xúc nhiều người. Các địa phương có người dân ở lại tỉnh, thành phía Nam cần liên tục động viên để họ không có cảm giác bị bỏ rơi nơi đất khách quê người. "Lao động xa quê cần được đáp ứng nhu cầu sống là cơm ăn thức uống; yếu tố an toàn là chăm sóc y tế và nhu cầu tình cảm là sự gắn bó, chia sẻ giữa quê hương, gia đình. Tôi nghĩ cần phải tác động trên cả ba khía cạnh đó thì người dân mới yên tâm ở lại", ông Cường nói. Với những người dân vẫn muốn về quê, các tỉnh cần chủ động nắm bắt nguyện vọng và phối hợp với TP HCM lên kế hoạch đón về. Khi đó, địa phương đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, tổ chức bài bản thì việc đưa đón thuận lợi hơn, không để người dân phải tự di chuyển. TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận an sinh xã hội phải là "phản ứng chính sách nghĩ đến đầu tiên" khi triển khai các quyết sách chống dịch. Theo ông, giãn cách xã hội càng kéo dài thì nhóm lao động tự do, di cư càng lâm vào tình thế khó khăn. Vấn đề là chính quyền địa phương cần thiết kế một chương trình trợ giúp hợp lý; trường hợp nguồn lực địa phương không đủ, thì Trung ương phải vào cuộc ngay. Nếu không giải quyết tốt an sinh xã hội lúc này, theo TS Dũng, có thể dẫn đến những vấn đề về an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực lâu dài. "Những người chọn cách trở về chiếm số lượng lớn trong lực lượng lao động của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Sự thịnh vượng, phát triển kinh tế, công nghiệp của thành phố, cư dân thành thị được phục vụ dịch vụ dễ dàng một phần lớn từ đóng góp của nguồn nhân lực này. Nếu không giữ chân họ ở lại, sau dịch có thể là sự đứt gãy, thiếu hụt lao động", ông Dũng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét