Bình sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh toát ra một phong cách giản dị, thể hiện trong trang phục, ăn uống, sinh hoạt, cư xử, văn phong và lời nói.
Bộ quần áo ka ki đã trở thành biểu tượng lãnh tụ của riêng Bác Hồ, không thể lẫn vào bất kỳ một lãnh tụ công nông nào khác. Một bức ảnh hiếm hoi cho thấy khi ở châu Âu Người mặc comple, thắt cà vạt nhưng sau này chúng ta không bao giờ thấy Bác ăn mặc như vậy nữa.
Ở chiến khu, Người mặc bộ quần áo nhuộm chàm hoặc nhuộm nâu “Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường” (Tố Hữu). Đi công tác thì Bác mang theo cơm nắm, trên đường dừng nghỉ mang ra ăn trong bóng mát rừng cây. Bác viết hoặc nói chuyện đều dùng một thứ ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, từ ngữ đơn giản, bình dân. Tác phong Hồ Chủ tịch, theo từ dùng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “lão thực”.
Phong thái giản dị ấy thể hiện trong việc tiếp xúc với nhân dân mà ta thường gọi là “tác phong quần chúng”. Hồi ở chiến khu Việt Bắc, trên đường công tác, Bác gặp một nhóm nam nữ thanh niên người dân tộc bên suối. Bác hỏi: “Các cô chú đi đâu về đấy? - Đi học Mác - Lênin! - Có vui không? - Vui lắm! - Có hiểu gì không? - Không hiểu gì cả!”. Thế đấy, chỉ bằng những câu hỏi, Bác đã chỉ ra bài học lớn về phương thức tuyên truyền cho những người cán bộ làm công tác lý luận, tuyên truyền đến quần chúng đi cùng Bác hôm đó.
Sinh thời, Người hòa nhập vào quần chúng rất nhanh, rất tự nhiên: kéo lưới cùng ngư dân, tát nước với nông dân, chia thuốc lá cho bộ đội, cho kẹo trẻ em... Hầu như không có một khoảng cách nào giữa lãnh tụ và nhân dân, ở bất cứ đâu, thành phần nào, khiến ai được tiếp xúc với Bác cũng xúc động, tự hào và thêm bội phần yêu quý, kính trọng. Không khoảng cách nhưng vẫn lồng lộng không gian không thể nào với tới: “Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng” là thế!
Phong thái “lão thực” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong cả việc đối ngoại khi sánh vai với các nguyên thủ nước ngoài, đó là phong cách chính khách mang đậm hồn cốt dân tộc khiến ta không khỏi tự hào. Tiếp xúc với báo chí nước phương Tây, cái phong cách chính khách đó càng ngời ngời: Thân mật, tự nhiên, dùng thứ ngôn ngữ của người phỏng vấn không qua phiên dịch mà lời lẽ thì đanh thép, truyền cảm mang sức mạnh của “mười đạo quân”.
Học Bác thì chúng ta phải nhớ đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối nhận Huân chương Sao Vàng cao quý mà Quốc hội định trao. Lý do Bác đưa ra là muốn đồng bào miền Nam khi thống nhất đất nước thì tự tay trao cho Bác. Một thông điệp cuồn cuộn truyền đi khát vọng thống nhất đất nước, sự nghiệp mà Bác Hồ theo đuổi suốt cuộc đời mình, truyền sức mạnh đến toàn dân để hoàn thành sự nghiệp đó.
Học Bác, chúng ta hãy tâm niệm bài viết của nhà thơ Xô - viết Osip Mandelstam trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ năm 1923: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét