1. Rào Trăng ngày trở lại, khó có thể hình dung ra khung cảnh thanh bình nơi đây sau những hoang tàn bởi trận sạt lở núi gây ra trong ngày định mệnh cách đây gần một năm về trước. Đất đai đã tràn lên màu cỏ mới, núi đồi cũng đã xanh tươi trở lại, đúng như lời thơ của một bạn trẻ đã cảm tác nên những vần tự đáy lòng: “Rào Trăng ngày mai bừng tỉnh lại/ Núi đồi cây cối sẽ xanh tươi/ Hóa thân thành đất rừng mãi mãi/ Điều kỳ diệu chính là các anh rồi!”.

Quả đúng như vậy, chính các anh là điều kỳ diệu. Trên vạt đất 13 cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã ngã xuống, đâu đó vẫn in hằn dấu chân của các anh. Ngày ấy lên đường, chắc chắn các anh đã nhận thức rõ những khó khăn, gian khổ và bao mối hiểm họa khó lường phía trước mặt. Thế nhưng, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, với lời thề “vì dân phục vụ” thì dù khó khăn đến mấy cũng quyết thực hiện đến cùng.

Thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng, bấy giờ là Đại tá, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), sau khi nắm thông tin về Rào Trăng đã tức tốc lên đường. Anh đi vội đến độ chưa kịp chào tạm biệt người thân, cũng cố tình giấu vợ con những hiểm nguy sắp đối diện, rồi dành trọn tâm sức thực hiện nhiệm vụ cứu dân. Thế nhưng, thiên tai tàn bạo đã cuốn anh ngã xuống lòng đất mẹ trong vô vàn niềm tiếc thương của đồng chí, đồng bào. Khó ai có thể tin ngay trong thời bình, một sĩ quan dạn dày kinh nghiệm, từng lập nhiều chiến công và kỳ tích trong cứu hộ, cứu nạn: Người trực tiếp chỉ huy giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng, tại xã Lát (Lạc Dương, Lâm Đồng); quyết định phương án đưa trực thăng ra giải cứu các thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu ở biển Cửa Việt vì sóng to, gió lớn... nay lại ngã xuống nơi mảnh rừng quạnh quẽ.

Bài 3: "Điều kỳ diệu chính là các anh rồi!"
Bộ đội Cụ Hồ với lời thề “vì nhân dân phục vụ” thì dù khó khăn đến mấy cũng quyết thực hiện đến cùng. Ảnh minh họa / qdnd.vn

 

Những người lính Cụ Hồ trong số 13 đồng chí ngã xuống hôm ấy cũng đều mang theo hành trang là lòng can đảm, can trường. Họ đồng lòng lên đường giúp dân trong tư thế hiên ngang, đối diện với hiểm nguy mà không chùn bước. Họ chấp nhận bỏ lại sau lưng những băn khoăn, lo lắng khi mà chính người thân, hậu phương của họ cũng đang phải chống chọi với lũ dữ... Nhiều đồng chí ngã xuống khi chưa kịp liên lạc với người thân, bỏ ngỏ những giấc mơ cùng bao dự định dang dở... Các anh đã anh dũng hy sinh khi đất nước đã không còn bóng giặc ngoại xâm.

Và chỉ sau đó ít ngày, 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) ở xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng nhẹ nhàng nằm xuống trong sự ấp ôm của màu cờ Tổ quốc. Đất đá đã vùi lấp các anh sau nhiều ngày dài căng mình giúp dân chống bão, chống lũ. Sự hy sinh của các anh để lại niềm đau xót tột cùng cho người thân và đồng chí, đồng đội. Chúng tôi tin rằng, trong tâm trí đồng đội và trong lòng nhân dân, các anh đã trở thành bất tử-những anh hùng liệt sĩ thời bình!

Thế nhưng, sự hy sinh mới nguyên kia chưa phải là duy nhất. Từ sau ngày đất nước kết thúc chiến tranh, nhưng do tính chất đặc thù của nhiệm vụ nên vẫn có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh thân mình trong lúc làm nhiệm vụ như: Huấn luyện; sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; tấn công tội phạm... để giữ gìn chủ quyền biển, đảo, biên cương bờ cõi, giữ gìn cuộc sống yên bình của nhân dân. Quên sao được sự hy sinh của 10 cán bộ, chiến sĩ không quân Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) trong quá trình đi tìm kiếm cứu nạn trên biển và 18 cán bộ, chiến sĩ đặc công Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Làm sao có thể quên tên người, tên đơn vị của những cán bộ, chiến sĩ quân đội anh dũng xả thân, lao mình vào dòng nước lũ cứu dân, cứu đồng đội như: Anh hùng liệt sĩ Phạm Hữu Huyên (Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình), liệt sĩ Rơ Chăm Thuyên (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai), liệt sĩ Lê Văn Phượng (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị), liệt sĩ Lê Anh Tuấn (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh), liệt sĩ Đinh Văn Nam (Quân chủng Hải quân)... Rồi còn nữa, còn nữa những tấm gương Bộ đội Biên phòng ngã xuống nơi biên cương xanh thẳm để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm; những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa nằm lại nơi biển cả và tấm bia khắc tên liệt sĩ luôn hướng về phía trước, để cùng những người còn sống nhắc nhớ dõi mắt canh giữ biển, đảo quê hương...

2.  Ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), chúng tôi từng có dịp gặp gỡ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy chỉ mới gần 60 tuổi. Trong vòng hơn 10 năm, bà đã phải đón nhận sự hy sinh của hai người thân là chồng và người con trai yêu quý. Người chồng của mẹ Thủy là một phi công quân sự giỏi, mẫu mực cả trong đời thường và công việc-Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Dương Văn Thanh. Tiếp đó là sự hy sinh của con trai-Thiếu tá Dương Lê Minh, cũng là một phi công quân sự cương trực, nhiều triển vọng, một lòng nối nghiệp bố. Cả hai người thân yêu của mẹ Thủy đã anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện và máy bay gặp sự cố.

Khi nói về nỗi đau mất đi người thân, mẹ Thủy rơm rớm nước mắt, nhưng chất giọng vẫn rất can trường: “Làm vợ, làm mẹ của bộ đội, tôi luôn hiểu được những khó khăn thường nhật, những mối hiểm nguy luôn rình rập đến với người thân của mình”. Người mẹ đáng kính cũng biết rõ, ở đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình này, luôn có vô số người vợ, người mẹ phải đón chịu những đớn đau tận cùng, khi phải nhận về sự hy sinh của những người thân thiết máu thịt giữa cuộc sống tưởng chừng như đang yên ả, thanh bình.

Đau lắm, khi mất đi những đứa con đứt ruột sinh ra, nuôi nấng và chứng kiến con lớn khôn, trở thành quân nhân cách mạng, rồi anh dũng ngã xuống khi Tổ quốc cần. Đó không chỉ là đứa con ngoan của riêng mẹ, mà còn là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Đó là những công dân tuổi đôi mươi ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho dân; hy sinh của bộ đội Trường Sa khi một dạ kiên trung bám trụ nơi tiền tiêu, giữ từng tấc biển, tấc trời. Còn nữa là sự hy sinh của bộ đội công binh trong cuộc chiến với "tử thần" là những quả bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh, đối diện với sự hiểm nguy sinh tử cận kề trong gang tấc để hóa giải sự hiểm nguy, trả lại sự bình yên cho đất, cuộc sống an toàn của nhân dân. Đó còn là những chiến sĩ quả cảm xả thân cứu dân trong thiên tai, địch họa...

Chắc chắn rồi, những con số về sự hy sinh của người lính trong thời bình sẽ khó có thể tổng kết, liệt kê đầy đủ, nhưng nếu ai đó thử làm thao tác trên các công cụ tìm kiếm, ví như trên Google chẳng hạn, sẽ lập tức nhận về hàng triệu đáp án. Bấy giờ, chúng ta sẽ dễ dàng lật lại những câu chuyện về lòng quả cảm, đức hy sinh; xướng lên những cái tên, những con người bằng da bằng thịt, mặc màu xanh áo lính ngã xuống trong thời bình. Và qua từng câu chuyện, chúng ta lại cảm nhận được sự kế tục, tiếp nối nhau qua các thế hệ để vững chí, bền lòng gìn giữ, phát huy phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

3. Ở Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) hôm nay, nhịp điệu hoạt động thường nhật đã trở lại như vốn dĩ. Những người lính Cụ Hồ dẫu vẫn còn đó nhiều khoảng lặng về sự tiếc thương đồng đội, nhưng đã vơi dần những đớn đau. Các anh lại tiếp tục công việc quen thuộc, cần mẫn với những hành trình không ngơi nghỉ về với dân, lắng nghe dân, giúp đỡ dân.

 “Quân đội luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ. Quân đội ta thật xứng đáng là Quân đội nhân dân anh hùng!”-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) phát biểu năm 2020. 

Quả đúng như vậy, nơi các anh ngã xuống, hay ở những mái ấm chốn hậu phương xa xôi-nơi đặt ban thờ của những liệt sĩ hy sinh trong thời bình, bao giờ cũng luôn có sự hiện diện của đồng chí, đồng đội, bà con, người thân đến dâng hương, kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn. Sự ngã xuống thật đau xót, đó là sự mất mát lớn của tổ chức và gia đình, nhưng một trong những người thấm ngấm nỗi đau nhiều nhất có lẽ chính là đồng đội của các anh. Thường nhật, họ vẫn ăn chung một mâm, ngủ chung một phòng, biết bao vui buồn san sẻ dưới mái nhà chung nơi tiền tuyến. Vậy nên, khi đồng đội ngã xuống, họ tự tay nâng niu, ôm siết anh em vào lòng. Khi tổ chức lễ tang, nhiều người được quyền khóc như mặc nhiên, nhưng đồng đội của các anh trong ban tổ chức lễ tang, những đồng chí làm nhiệm vụ tiêu binh... lại không thể làm điều đó. Phẩm chất của người lính Cụ Hồ không cho phép những nỗi đau nức nở, mà có chăng chỉ là những đôi mắt ngấn đỏ, những tiếng khóc nấc vội giấu ánh nhìn, hay sự nghẹn ngào cố nén vào trong!

Trong chiến tranh, mỗi khi người lính Cụ Hồ chứng kiến đồng đội ngã xuống, thì đó luôn là nỗi ám ảnh, trở thành tâm nguyện tri ân suốt quãng đời còn lại. Trong thời bình cũng vậy, trước sự hy sinh của đồng đội, người lính luôn nhận lấy nỗi đau tận cùng; và họ càng được thôi thúc thêm quyết tâm cống hiến cũng chính bằng nỗi đau đó. Cũng bởi thế mà ở bất kể nơi đâu trên đất nước này, ở đâu có nhiệm vụ, ở đâu có thiên tai, địch họa thì cán bộ, chiến sĩ quân đội lại lên đường. Ở bất cứ đâu nơi biên cương, hải đảo, giữa trùng khơi xa xôi, hay trên bầu trời trong xanh vời vợi sắc hòa bình kia cũng đều ghi dấu những hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Nói như vậy hoàn toàn không phải kể lể về sự bi thương, mà hẳn là nêu lên minh chứng chân thật, sinh động nhất về sự hy sinh của người lính thời bình, để những kẻ bỡn cợt bĩu môi, tự thấy xấu hổ với chính những lời xuyên tạc, bịa  đặt trắng trợn.

Nhưng sự hy sinh theo nghĩa trọn vẹn nhất không đơn thuần là sự ngã xuống, mà rộng hơn là việc chấp nhận gian khó, hiểm nguy về phần mình để bảo vệ, che chắn cho nhân dân, giúp nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở thời nào cũng vậy, người lính Cụ Hồ luôn hăng hái xung trận, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện, tình huống. Thời điểm “giặc Covid-19” tràn vào lãnh thổ đất nước, khi mà người dân buộc phải di chuyển tránh xa tâm dịch, thì những cán bộ, chiến sĩ quân đội lại hành quân vào tâm dịch. Nơi nào xuất hiện dịch, bộ đội hóa học ngay lập tức có mặt để tiến hành phun khử khuẩn. Tiếp nữa là hàng loạt đơn vị quân đội dời quân ra khỏi doanh trại, cắm bạt, dựng lều nơi núi đồi hoang vắng, nhường nơi ở làm nơi cách ly phục vụ đồng bào. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã và đang dựng lều, cắm chốt trên dọc tuyến biên giới để chặn dịch ngay từ đường biên, quyết tâm đẩy lùi "giặc Covid-19".

Người lính Cụ Hồ luôn có mặt trên mọi trận tuyến khốc liệt và không hề lo sợ hiểm nguy rình rập cận kề. Sở dĩ, họ làm được như vậy là bởi họ được giáo dục, rèn luyện bài bản, kỹ càng, hình thành trong con người họ đức cống hiến, hy sinh. Trải qua lớp lớp thế hệ, họ đã tạo dựng nên truyền thống và giá trị của Bộ đội Cụ Hồ. Chúng ta luôn vững tin, rằng trong bất luận hoàn cảnh nào, bộ đội luôn là tấm lá chắn vững chắc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng. Thế nên, mọi luận điệu xuyên tạc, cố tình bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hạ bệ Quân đội nhân dân Việt Nam thì đều đáng bị lên án, bác bỏ.