Nghiên cứu toàn diện và sâu sắc đồng thời tiếp thu có phê phán,
chọn lọc toàn bộ tri thức nhân loại đã sáng tạo ra nhằm phục vụ sự nghiệp cách
mạng là đặc điểm nổi bật trong phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác.
Trước Mác, các nhà tư tưởng
hoặc là kế thừa một cách rập khuôn, giáo điều hoặc là phủ định sạch trơn, do
vậy lịch sử tư tưởng nhân loại trước Mác đều có những hạn chế nhất định. Mác và
Ăng-ghen đã vượt lên tất cả những hạn chế của lịch sử tư tưởng trước đó bằng
cách kế thừa toàn bộ tinh hoa tri thức nhân loại, đồng thời phê phán, phủ định
những hạn chế của những tư tưởng đó và sáng tạo ra chủ nghĩa mới mang bản chất
khoa học và cách mạng, đó là Chủ nghĩa Mác.
Trước Mác, Hê-ghen và Phoi-ơ-bắc đại diện cho hai trường phái
triết học đối lập nhau: Hê-ghen là đại biểu cho trường phái duy tâm nhưng “hạt
nhân hợp lý” trong triết học của ông là phương pháp biện chứng cách mạng (phép
biện chứng); Phoi-ơ-bắc đại diện cho trường phái duy vật nhưng hạn chế trong
triết học của ông là phương pháp siêu hình (phép siêu hình). Mác đứng trên lập
trường duy vật cách mạng của Phoi-ơ-bắc nhưng phê phán phép siêu hình
của ông ta; Mác cũng phủ định lập trường duy tâm của Hê-ghen nhưng tiếp thu
“hạt nhân hợp lý” trong triết học của ông là phép biện chứng cách mạng. Nhờ đó,
triết học Mác có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện
chứng: Chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa duy vật biện chứng còn phép biện chứng là
phép biện chứng duy vật, nó hoàn toàn khác về chất so với chủ nghĩa duy tâm
biện chứng của Hê-ghen và chủ nghĩa duy vật siêu hình của Phoi-ơ-bắc. Hơn
nữa, trước Mác, các nhà triết học chủ yếu là giải thích thế giới, triết học Mác
không chỉ giải thích thế giới mà sứ mệnh cao cả hơn là cải tạo thế
giới.
Học thuyết về kinh tế chính
trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học cũng tương tự như vậy. Mác đã kế thừa có
phê phán những tư tưởng kinh tế chính trị học cổ điển Anh và tư tưởng chủ nghĩa
xã hội không tưởng Pháp... Trên cơ sở đó, ông đã tìm ra quy luật giá trị thặng
dư và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Trong diễn văn tại Đại hội
III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga diễn ra ngày 2-10-1920, Lênin đã
truyền thụ phương pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác cho thế hệ trẻ và
mong muốn thế hệ trẻ sẽ là người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang
đó. Nổi lên hai biểu hiện đặc sắc trong phương
pháp kế thừa tri thức nhân loại của Mác:
Một
là, Mác đã nghiên cứu toàn diện và sâu sắc toàn bộ tri thức nhân loại đã sáng tạo
ra. Lênin khẳng định: “Tất cả những cái mà xã hội loài người đã sáng tạo
ra, Mác đã nghiền ngẫm lại một cách có phê phán, không hề bỏ sót một điểm nào”.
Muốn trở thành người cộng sản, nhất là đối với thanh niên, thế hệ trẻ thì phải
không ngừng học tập, nghiên cứu để có tri thức toàn diện, phong phú và sâu sắc.
Lênin nhấn mạnh: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm
giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân
loại đã tạo ra”.
Hai
là, trên cơ sở phê phán những khuyết điểm, hạn chế, Mác đã tiếp thu có chọn lọc
những tinh hoa tri thức nhân loại. Đây là đặc sắc trong phương pháp kế thừa
tri thức nhân loại của Mác. Lênin nhấn mạnh: “Tất cả những cái mà xã hội loài
người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại, đã phân tích, phê phán và đã căn
cứ phong trào công nhân để kiểm tra lại”. Thật vậy, Mác đã phê phán những hạn
chế, khuyết điểm mà tri thức nhân loại đã sáng tạo ra, nhất là những tiền đề lý
luận trực tiếp lúc bấy giờ là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ
điển Anh và CNXH không tưởng Pháp để xây dựng nên học thuyết mới hoàn
chỉnh với ba bộ phận cấu thành gồm triết học, kinh tế chính trị học
và CNXH khoa học.
Mai Năm Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét