Sáng 2/8, Hội nghị Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) đã khai mạc trực tuyến, mở đầu cho
chuỗi hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các
đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu
vực ASEAN (ARF) từ ngày 2 đến 6/8/2021.
Bộ trưởng Ngoại giao
Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị..
Tại Hội nghị, các Bộ
trưởng trao đổi ý kiến về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại
của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hội nghị đánh giá
cao nỗ lực của các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội
trong triển khai ưu tiên của năm ASEAN 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch
Covid-19 đang tác động lớn đến tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực của các
nước.
Các nước hoan nghênh
những sáng kiến như Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD) tăng cường sức mạnh tổng hợp của
ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, Chiến
lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp 4.0 cho ASEAN.
Ứng phó và phục hồi
sau đại dịch là nội dung được các Bộ trưởng trao đổi nhiều trước thực trạng dịch
bệnh tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực cùng với sự xuất hiện của các biến
thể mới.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh
cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vaccine; theo đó, ASEAN cần tăng
cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển,
sản xuất và phân phối vaccine.
Hoan nghênh đóng góp
của các nước ASEAN và đối tác cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, các nước đề
nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường
vaccine, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng
khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Về quan hệ đối ngoại
của ASEAN, các nước đã thảo luận các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc quan hệ
giữa ASEAN với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định
giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và sự
tham gia, đóng góp tích cực, xây dựng của các đối tác cho hòa bình, an ninh và
phát triển ở khu vực.
Các Bộ trưởng nhất
trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực
với Brazil. Hội nghị cũng hoan nghênh và chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước
thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Các Tiểu
vương quốc Arab thống nhất, Oman và Đan Mạch, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc
và giá trị của Hiệp ước trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.
Các nước đã trao đổi
sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, Bán đảo
Triều Tiên, Trung Đông. Trước các diễn biến phức tạp tại Biển Đông, các Bộ trưởng
tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn
và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại về tình trạng bồi đắp
và các sự việc nghiêm trọng, trong đó có vấn đề gây tổn hại đến môi trường biển.
Các Bộ trưởng khẳng
định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982, kêu gọi kiềm chế,
không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hội nghị cũng tái khẳng
định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở
Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi
trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới bộ COC hiệu quả,
thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982.
Các nước nhấn mạnh cần
triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà lãnh đạo
ASEAN tháng 4/2021. Các nước khẳng định mong muốn của ASEAN, hỗ trợ Myanmar,
thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những
phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân. Các nước cũng dành nhiều thời gian
trao đổi về Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN tới Myanmar.
Việt Nam tham gia
tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau
2025
Phát biểu ý kiến tại
Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ các nỗ
lực của Chủ tịch Brunei trong thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng cũng như
hiện thực hóa các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2021 dưới chủ đề “Cùng quan tâm,
cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng”.
Bộ trưởng nhấn mạnh
đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những
giai đoạn khó khăn. Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua
và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.
Trong các nỗ lực ứng
phó dịch bệnh, Bộ trưởng chia sẻ ý nghĩa thiết yếu của vaccine, đề nghị ASEAN tận
dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển
giao công nghệ sản xuất vaccine.
Bộ trưởng nhấn mạnh,
trước tác động kinh tế - xã hội nặng nề của đại dịch, hơn bao giờ hết, ASEAN cần
phát huy mạnh mẽ nội lực của một Cộng đồng tự cường và gắn kết, khẳng định vai
trò và trách nhiệm với chính sự phát triển của khu vực.
Bộ trưởng đánh giá
cao tiến độ triển khai kết quả năm 2020, khẳng định Việt Nam tiếp tục tham gia
tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau
2025.
Về quan hệ đối ngoại
của ASEAN, Bộ trưởng chia sẻ nhận định về những chuyển động mới trong chính
sách, quan hệ và cạnh tranh giữa các nước lớn đang đặt ra cho ASEAN cả thách thức
và cơ hội.
Trong bối cảnh đó,
ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời
đề cao đoàn kết, phát huy nội lực và bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận
cân bằng trong quan hệ với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN
trong cấu trúc khu vực.
Trao đổi về tình
hình quốc tế và khu vực, Bộ trưởng chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp tại
các điểm nóng ở khu vực như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và cùng với đó là các
thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển
dâng, suy thoái môi trường biển.
Bộ trưởng đồng thời
khẳng định hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông
là lợi ích chung của tất cả các nước, song khu vực này vẫn chứng kiến các hành
động trái với luật pháp quốc tế, kể cả những hành động gây tổn hại đến môi trường
biển; đề nghị ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc và đề cao luật pháp quốc tế,
bao gồm Công ước Luật biển 1982.
Trao đổi về tình
hình Myanmar và những tác động đối với ASEAN và khu vực, Bộ trưởng nhấn mạnh
yêu cầu triển khai Đồng thuận 5 điểm, và đề nghị đẩy nhanh hỗ trợ nhân đạo cho
người dân Myanmar trong bối cảnh nước này đang hứng chịu tác động nặng nề của
Covid-19.
Chiều nay, các Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tham dự các Hội nghị hội đồng Cộng đồng Chính trị -
an ninh ASEAN (APSC), Hội đồng điều phối ASEAN, Ủy ban khu vực Đông Nam Á không
có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), và Phiên đối thoại với các đại diện Ủy ban liên
Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR)./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét