Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Khi người ta chửi về mọi thứ



Ít lâu trước, xuất hiện tình trạng các “racing boy” tổ chức đua xe trái phép diễn ra giữa dịch bệnh, gây bức xúc dư luận, các “racing boy” này còn quay lại và đăng lên Tiktok và Youtube, người ta chất vấn và chửi bới các chiến sĩ công an ở đâu sao không bắt lũ trẻ nghé này lại. Tối hôm trước, một thượng úy công an hy sinh khi làm nhiệm vụ truy đuổi một người vi phạm Chỉ thị 16, trong người dương tính với ma túy, thì dân mạng cũng lại chửi anh, nào là tham tiền, nào là vì vài trăm ngàn, đang dịch đói tiền, lợi dụng dịch phạt nhân dân, ai cho phép đuổi theo người dân để phạt. Có người độc miệng trách cứ: “Thuế dân trả mà lái xe kém thế à? Để thằng trẻ trâu lái còn tốt hơn”.


Một chị lao công đi thu gom rác vào lúc sáng sớm bị đám thanh niên cướp xe. Biết hoàn cảnh chị khó khăn và tần suất lao động dày đặc vào mùa dịch, các chiến sĩ công an gom tiền mua tặng chị một chiếc xe máy. Và một việc làm ý nghĩa vậy như vậy, cũng lại bị chửi. Người ta chửi vì “tiền thuế của dân không phải để mua xe tặng cho người khác”, người thì chửi vì chuyện “không lo bắt cướp chỉ lo làm màu”, lấy tiền ở đâu để mua, tiền đó sao không góp vào mua vaccine. Một vài người “đùa dai”, hô hào lên đồn công an mất xe để được các anh công an tặng xe mới (?)


Một trường hợp khác, khi bức ảnh ghi lại cảnh anh cảnh sát phạt một người đàn ông đang mang theo thùng mì tôm vì vi phạm Chỉ thị 16 về mua hàng không thiết yếu. Và chỉ thông qua một vài dòng viết, người ta lại lao như thiêu thân vào chửi bới mà chưa hề tìm hiểu thực hư. Rồi mãi sau đó, mới biết rằng anh này đi mua bia về nhậu và nhét bia vào trong thùng mì tôm để qua mặt lực lược chức năng.


Cảnh sát dẫn đoàn, đưa người lao động từ xa về quê thì bị chửi là làm màu, hỗ trợ một phần xăng xe thì bị kêu là hỗ trợ ít thế, ăn tiền của người dân nhiều lắm mà, sao không hỗ trợ tiền mặt?


Đôi khi, không biết phải làm thế nào để một đám người ấy hài lòng.


Có những công an quan liêu, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Nhưng đó chỉ là một số cá thể và phần lớn trong số họ vẫn đã, đang và sẽ phục vụ nhân dân. Đôi khi, chúng ta cũng cần nhìn lại chính bản thân mình, rằng cá nhân chúng ta đã chấp hành pháp luật đầy đủ chưa? Một bình luận nhận được hơn 2.000 lượt thích trên Thông tin Chính phủ: “Nhiều người dân vì bản thân họ, đi sai luật giao thông, khi bị bắt thì chỉ chực chờ nhét tiền cho các chiến sĩ, rồi lại đăng lên mạng chửi bới công an, cảnh sát. Họ hoàn toàn có thể chống tiêu cực bằng cách lên thẳng kho bạc nộp, nhưng phần lớn họ không làm vậy".


Một trong những luận điểm bức xúc nhất mình nhận thấy là nhiều người hay ca bài ca “thuế dân”, nhưng đồng thuế nào trả đủ cho những con người đã hy sinh vì nhân dân và Tổ Quốc? Họ đóng thuế được bao nhiêu so với những con người khác? Mỗi sự hy sinh là một vết thương không bao giờ lành với gia đình họ. Tiền là quan trọng, nhưng tiền không thể làm cho một con người sống lại được.


Trước đây ít lâu, về câu chuyện một chiến sĩ công an Bình Thuận bị chém khi cưỡng chế hai bố con vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh, có người phẫn nộ, nhưng có người lại chỉ trích là “nghiệp vụ kém”, sao không khuyên bảo người ta nhẹ nhàng… Một chiến sĩ khác bị các đối tượng côn đồ dọa nạt, quay phim tại chốt kiểm dịch vì không cho bạn bè của chúng vào chơi. Trong xã hội chúng ta, có những con người rất “rắn mặt” và coi thường pháp luật, đâu phải ai nói lời nhẹ cũng nghe? Trong gia đình của chúng ta, đôi khi căn dặn mấy đứa con, đứa em, đứa cháu, tụi nó còn không nghe và cứng đầu, huống chi người ngoài.


Phần lớn những người chiến sĩ ấy đều phải trực chiến 24/24 trong nhiều tháng vừa qua. Không ít những clip trên Tiktok, mô tả cảnh những chiến sĩ phải nhìn vợ con từ xa, phải tự thân lấy gói đồ cá nhân mà không được ôm vợ con, có chiến vợ vừa sinh con hôm trước và vài hôm sau lên đường chống dịch, có người phải chịu tang cha mẹ qua… mạng, có người nói đùa rằng “đi làm nhiệm vụ lâu quá về sợ con quên mặt” họ phải đánh đổi thời gian và khả năng lây nhiễm cao để góp sức đẩy lùi dịch bệnh.


Chúng ta đang sinh sống trong thời bình, mà máu đôi khi vẫn rơi như thời chiến. Đang ngày càng văn minh hơn, đầy đủ hơn, thông tin được tiếp cận nhiều hơn, nhưng lại càng dễ bị dắt mũi, càng thích chửi bới nhiều hơn.


Chửi thì vẫn luôn dễ dàng, lao vào làm việc mới khó.


#tifosi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét