Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân từng nhận được đơn, thư của một số công dân phản ảnh, kiến nghị những vụ việc bức xúc, kéo dài mà không được giải quyết liên quan đến chế độ người có công, sở hữu đất đai, tố cáo cán bộ địa phương vi phạm… Song ở một vài vụ việc, người đứng đơn còn liên tiếp tung lên mạng xã hội những bài viết bức xúc, thậm chí có phần quy kết chính quyền một cách thiếu căn cứ. Thế nhưng sau đó, các trang mạng xã hội và trang web ở nước ngoài liên tiếp đăng tải, chia sẻ các đơn, thư, bài viết của người dân. Có người đứng đơn còn cho biết, họ được cả những đài báo nước ngoài và cả những người xưng là luật sư, nhà dân chủ gọi tới cho biết sẽ sẵn sàng giúp đỡ, tư vấn, đăng tải… Họ ca ngợi những người đứng đơn là dũng cảm, thậm chí còn gửi thư, ngoài bì thư phong cho một nữ công dân là “anh hùng” dù cô mới chỉ có một bài viết bày tỏ nỗi bức xúc của mình trên trang cá nhân. Họ còn “vẽ đường cho hươu chạy”, kích động người dân làm băng rôn, khẩu hiệu, tụ tập đông người kéo đến các cơ quan pháp luật gây sức ép thì mới thành công. Lợi dụng sự bức xúc của người dân về những vấn đề dân sinh thiết thân của họ, kẻ xấu đã kích động họ dần ngả sang các mưu đồ chính trị đen tối, hỗ trợ cho các hoạt động chống phá chính quyền.
Dư luận xã hội từng biết đến “nhà dân chủ” Phạm Đoan Trang, một đối tượng chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật nhưng luôn kích động, lôi kéo người khác tham gia vào con đường sai trái, vào “phong trào dân chủ”. Đối tượng này từng viết: “Các bạn biết không, một trong các lý do thúc đẩy một số blogger, trong đó có tôi, viết nhiều điều chỉ trích Đảng và Nhà nước cộng sản ở Việt Nam, là bởi vì chúng tôi mong muốn thấy độc giả bước ra khỏi nỗi sợ hãi. Chắc chắn là rất, rất nhiều, đại đa số dân Việt Nam, hiện vẫn nghĩ rằng “viết lách trên mạng, comment, like, share linh tinh trên mạng rồi có ngày đi tù”. Phạm Đoan Trang lớn tiếng kích động rằng: “Nhưng các bạn thấy đấy, đã có nhiều blogger lên tiếng phản biện, chỉ trích Nhà nước về các chính sách công, thậm chí chửi thẳng vào chế độ, mà có… đi tù đâu? Nói một cách ngắn gọn là: Cái thời chỉ viết không thôi cũng đủ đi tù đã qua rồi. Đi tù không dễ đâu!”.
Đó là những luận điệu và chiêu trò hết sức nguy hiểm. Nó dễ khiến cho những người thiếu hiểu biết pháp luật và dễ ngộ nhận, thích làm “anh hùng bàn phím” sẽ đơn giản hóa, không phân biệt được tự do ngôn luận với hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích của tổ chức và cá nhân theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, thậm chí vi phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia theo các Điều 78, 79, 87, 88 Bộ luật Hình sự… mà người vi phạm đơn giản, không hay biết. Luận điệu “đi tù không dễ” là hoàn toàn ngụy biện vì trên thực tế ở Việt Nam, mỗi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do phản biện xã hội trên mạng xã hội hay báo chí, truyền thông. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp lợi dụng quyền tự do, dân chủ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và đã bị xử lý hình sự. Đã có không ít đối tượng phải ngồi tù vì những hành vi này gắn với việc thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét