Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Khử khuẩn trong nhà

Phun xịt ngoài trời không hiệu quả phòng chống Covid-19, vậy khử khuẩn tại nhà và các công ty bằng cách nào? Người bạn đang sống tại TP HCM tuần trước gửi cho tôi thông báo của ban quản lý chung cư bạn ở. Họ thông báo do có ca dương tính với Covid nên sẽ phun khử khuẩn thường xuyên tại các khu vực công cộng của chung cư, gồm hành lang, lối đi của ô tô, xe máy, hầm gửi xe, sân vườn, thang máy, toilet. Riêng tầng có F0 sẽ thực hiện phun hai lần vào mỗi buổi sáng và chiều. Cư dân trước khi bỏ rác ra ngoài được yêu cầu buộc kín bịch rác, bộ phận vệ sinh sẽ phun khử khuẩn lên các bịch rác rồi mới chuyển tập kết ra ngoài. Chi phí phun khử khuẩn sẽ chia đều cho các căn hộ trong khu dân cư. Tôi đã nói, việc này không phù hợp với khoa học. May thay, Bộ Y tế vừa ra công văn ngừng việc phun khử khuẩn nơi công cộng. Công văn không giải thích rõ nên tôi xin chia sẻ từ góc nhìn khoa học. TP HCM và nhiều tỉnh, thành Việt Nam đã có chiến dịch phun xịt khử khuẩn nơi công cộng với mục đích để tẩy virus nCov. Tuy chiến dịch này có mục tiêu tốt, nhưng khoa học cho thấy nó không đem lại hiệu quả mà còn có thể gây hại cho công chúng. Lý do thứ nhất, 99% ca nhiễm Covid-19 lây lan ở trong nhà. Nhiều nghiên cứu thực tế tại Trung Quốc và châu Âu châu đã khẳng định điều đó. Một tổng quan về nơi lây nhiễm công bố trên tập san Journal of Infectious Diseases hôm 24/2/2021 cho thấy tuyệt đại đa số ca lây nhiễm xảy ra trong nhà. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ lây nhiễm trong nhà là 7.322 trên 7.324 ca nhiễm - tỷ lệ gần 100%, so với ngoài trời là hai trên 7.324 ca - hay 0,03%. Nghiên cứu ở Ireland cũng cho thấy hơn 99% ca lây nhiễm xảy ra trong không gian nhà, văn phòng, nơi làm việc. Còn lây nhiễm nơi công cộng gần như không đáng kể. Lý do thứ hai là cơ chế lây lan làm cho việc phun xịt ngoài trời không hiệu quả. Chúng ta đã biết cơ chế lây nhiễm của virus là qua giọt bắn. Những giọt li ti này đi vào không khí khi người có virus nói, ho hay hắt hơi, và ai đứng gần có thể bị nhiễm. Virus này tồn tại trong không khí chừng ba giờ đồng hồ, nhưng nó có thể "sống" từ hai đến ba ngày trên bề mặt các vật dụng làm bằng inox hay sắt thép - một số có lẽ là "xác virus". Do đó, phun xịt ngoài trời gần như không tác dụng gì. Vấn đề rất quan trọng là phun xịt hoá chất bừa bãi có thể gây hại cho công chúng. Năm ngoái, Hàn Quốc, Đài Loan và Italy đã tổ chức những đoàn xe xịt hoá chất khử khuẩn, nhưng sau đó họ phải sớm bỏ chiến dịch này vì không hiệu quả mà lại tốn tiền. Các nước như Anh, Australia, Mỹ, châu Âu và ngay cả CDC, WHO đều không khuyến cáo việc này. Thật ra, một nguy cơ khi phun xịt hoá chất diệt khuẩn nơi công cộng là gây tác hại cho người. Các hoá chất đó có thể gây tổn hại trên mô mềm ở người, và những người bị phơi nhiễm với bệnh nghẽn tắc phổi mạn tính và hen suyễn ảnh hưởng nặng hơn, theo Tập san JAMA Network Open. Ngoài ra, phun xịt nhiều lần ở nơi có bãi cỏ xanh và cây xanh dễ gây ô nhiễm môi trường, giết hại côn trùng. Điều đó rất không nên, và càng tuyệt đối không phun lên người. Do đó, tôi thấy vui khi Việt Nam đã làm theo "ánh sáng" của khoa học. Nhiều nước đã tổ chức hoạt động lau chùi khử khuẩn ở khu vực công cộng. Ở Sydney, những nhóm tình nguyện viên và nhân viên hay đi khử khuẩn các nơi. Họ đeo găng tay cao su, dùng bình xịt bên trong có chứa các hoá chất khử khuẩn đã được cơ quan chức năng của Australia phê chuẩn. Họ lau chùi ghế đá công viên, ghế ngồi nơi công cộng, bến xe điện, bến xe bus khi hết thành phố hết phong toả. Cục quản lý dược phẩm Australia đã phê chuẩn hơn 250 sản phẩm được dùng để khử khuẩn như Instrumax Pink, Oust 3 in 1, PlastiSept eco... dùng cho mọi không gian, công cộng, nhà dân, doanh nghiệp, trường học. Tôi thấy điều này cũng giống như tại châu Âu. Nhân viên vệ sinh dùng chai xịt thuốc khử khuẩn và khăn để lau các bề mặt, ghế ngồi nơi công cộng, nơi giao dịch có người đến và đi. Do đó, thay vì phun xịt ngoài trời, tôi nghĩ nên tập trung vào việc khử khuẩn trên bề mặt của các vật dụng như bàn, ghế, cửa các tòa nhà. Chúng ta nên tập trung vệ sinh trong nhà hơn là ngoài trời. Một phân tích ở Pháp chỉ ra thứ tự nguy cơ lây nhiễm như sau: Tại nhà ở là 13%; phương tiện đi lại công cộng 12%; nhà hàng, quán ăn 7%; nơi làm việc 2%; trường học 2% và bệnh viện 1,7%. Tại từng gia đình cũng tương tự, ta có thể dùng cồn, chất khử khuẩn được cho phép lau chùi các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn, ghế, cửa sổ, tường nhà tắm, bếp, đồ dùng nhiều người tiếp xúc. Bộ Y tế Việt Nam có thể công khai danh sách các chất khử khuẩn được cho phép sử dụng đang có bán trên thị trường để dân chúng biết. Một chiến dịch khử khuẩn toàn dân không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cộng đồng mà còn có cơ sở khoa học. Như tôi đã nói, vì ta phải sống khác đi, nên mỗi người thay đổi thói quen cá nhân, luôn để ý lau chùi các bề mặt, kể cả chiếc ghế mình vừa ngồi hay chuẩn bị ngồi xuống, máy tính, mặt bàn của mình bằng dung dịch sát khuẩn. Tại cơ quan ở Australia, ngoài bình khử khuẩn có sẵn cho mọi người, nhân viên vệ sinh cũng dùng bình xịt và lau chùi các bề mặt ít nhất hai lần một ngày. Cần nhấn mạnh rằng cơ chế lây qua các giọt li ti trong không khí ở khoảng cách gần gần như là quy luật của virus SARS-Cov-2. Điều này có ý nghĩa thực tế khi nhà hàng và công xưởng được lắp tấm chắn giữa các bàn. Ý nghĩa thật sự của nó là thiết lập thói quen giãn cách xã hội. Pandemic (đại dịch) đang có xu hướng chuyển sang endemic - có nghĩa là hiện diện ở mọi nơi và mọi lúc. Và ta sẽ phải sống chung với "hắn" các bạn ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét