Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao tình hình Afghanistan
trong bối cảnh lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Phủ tổng
thống trong khi Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước.
Giấc mộng “hồi sinh”..
Theo tờ The Washington Post, Taliban nổi lên ở Afghanistan trong thập
niên 1990, nòng cốt là các tay súng từng chiến đấu chống lại lực lượng nước
ngoài chiếm đóng Afghanistan. Taliban cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996
cho đến 2001 trước khi bị liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu lật đổ nhằm truy
quét mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda liên quan tới cuộc tấn công
khủng bố kinh hoàng 11-9-2001. Kể từ khi bị lật đổ, Taliban vẫn luôn
nuôi giấc mộng “hồi sinh” quyền lực.
Cơ hội thực sự với Taliban được cho là xuất hiện khi Mỹ và
các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khởi động
tiến trình rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan hồi đầu tháng
5-2021 với lý do đã đạt được các mục tiêu khi đưa quân sang Afghanistan,
gồm: Làm suy yếu al-Qaeda và ngăn chặn được các cuộc tấn công tương tự thảm kịch
11-9-2001. Tờ The Guardian cho biết, chỉ vài ngày sau khi lực lượng
nước ngoài bắt đầu rút quân, giao tranh ác liệt đã nhanh chóng nổ ra
giữa Taliban và lực lượng chính phủ Afghanistan ở tỉnh miền Nam
Helmand. Để rồi tới tháng 6, nhiều quận, huyện ở phía Bắc Afghanistan
lần lượt rơi vào tay Taliban.
Sau khi giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn và các cửa khẩu
quan trọng, từ giữa tháng 7, Taliban tăng cường đà tấn công của mình, bắt
đầu nhắm vào các thành phố lớn đông dân của Afghanistan. Tới đầu tháng
8, Taliban đã chiếm được một số thủ phủ cấp tỉnh đầu tiên. Mặc dù
Afghanistan lúc này được đánh giá là ở “bước ngoặt nguy hiểm”, song Tổng
thống Mỹ Joe Biden vẫn tin tưởng rằng rút toàn bộ binh lính nước
ngoài khỏi quốc gia Tây Nam Á sau 20 năm can dự tại đây là quyết định
đúng đắn. Và chỉ trong vòng 3 tháng, các tay súng Taliban đã tiến
vào thủ đô Kabul.
Nhanh hơn dự đoán
Mặc dù những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong 24 giờ qua vốn là
“kịch bản” đã được dự đoán từ trước, song phải thừa nhận rằng điều nó đến sớm
hơn so với tính toán, khiến Washington không khỏi ngỡ ngàng.
Nói như vậy là bởi vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Biden vẫn
cho rằng việc Taliban quay trở lại nắm quyền tại Afghanistan “không phải là tất
yếu” bởi trong suốt 20 năm qua, Washington đã “cung cấp cho các đối tác
Afghanistan tất cả công cụ, huấn luyện và trang thiết bị quân sự hiện đại” và
Afghanistan có một quân đội trang bị tốt với 300.000 người, “không thua kém bất
cứ quân đội nào trên thế giới” để chống lại 75.000 tay súng Taliban”. Ngay cả
tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng tuyên
bố việc Taliban có thể nghiễm nhiên giành quyền kiểm soát về mặt quân sự hay
không “vẫn chưa có gì là chắc chắn”. Cách đây vài ngày, giới tình báo Mỹ
nhận định lực lượng Taliban có thể bao vây và chiếm thủ đô Kabul của
Afghanistan trong vòng 1-3 tháng tới. Thậm chí, tới ngày 13-8, Lầu Năm
Góc vẫn tuyên bố thủ đô Kabul “không sớm bị đe dọa”.
Thế nhưng, theo CNN, tới ngày 15-8, giới chức Mỹ buộc phải thừa
nhận rằng họ đã tính toán sai lầm. “Mọi chuyện đến nhanh hơn so với dự đoán
của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trên truyền hình.
Vì sao Taliban “trỗi dậy”?
Nhìn nhận về những diễn biến tại Afghnistan hiện nay, giới phân
tích cho rằng mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Trong 20
năm qua, cho dù Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD vào Afghanistan, song chuyên gia
Obaidullah Baheer của Đại học Mỹ tại Afghanistan cho rằng điều này vẫn
không giải quyết được các các vấn đề căn cơ về kinh tế-xã hội ở Afghanistan,
từ đó tạo điều kiện để Taliban “trỗi dậy và duy trì vị thế trong nước”.
Theo chuyên gia này, việc Washington rút quân cũng là một nguyên
nhân không thể bỏ qua. “Việc rút quân vô điều kiện khiến Taliban nghĩ rằng
họ đã thắng Mỹ nên có rất nhiều động lực chiến đấu với lực lượng chính phủ. Mặt
khác, chính phủ Afghanistan dường như tin tưởng vào cuộc đàm phán giữa Mỹ với
Taliban và chưa bao giờ sẵn sàng ứng phó với chiến dịch tấn công dữ dội đến
mức như vậy”, TRT World dẫn lời chuyên gia Obaidullah Baheer.
Trong khi đó, tờ The Washington Post lại cho rằng ngoài vấn nạn
tham nhũng và năng lực hạn chế của chính quyền Kabul, sự hiện diện của
Mỹ và đồng minh đã trao cho Taliban một cái cớ để “giương cờ tập hợp lực lượng
chống thực dân”.
“Lựa chọn khó khăn”
Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi rời khỏi Afghanistan, Tổng thống
Ashraf Ghani cho rằng đã phải đứng trước “một lựa chọn khó khăn” là đối mặt với
Taliban muốn tiến vào Phủ tổng thống hay rời bỏ “đất nước thân yêu mà tôi đã
dành cả cuộc đời để bảo vệ và chăm sóc trong 20 năm qua”. Kết quả là ông
quyết định rời đi để “tránh cảnh đổ máu”.
Theo ông Ghani, Taliban “đã chiến thắng” bằng “những thanh gươm và khẩu
súng”. Taliban bây giờ “có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân
Afghanistan”, đồng thời “đối mặt với một thử thách lịch sử mới”, “phải chịu
trách nhiệm bảo vệ cho danh dự, phồn thịnh cũng như tự trọng” của Afghanistan.
Hồi kết?
Trả lời kênh truyền hình Al Jazeera, Người phát ngôn văn phòng chính
trị của Taliban Mohammad Naeem tuyên bố cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã kết
thúc. Ông Naeem cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên ở
Afghanistan, khẳng định lực lượng này “sẽ hành động một cách có trách nhiệm
trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Theo đó, Taliban sẵn
sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại.
Trước những diễn biến tại Afghanistan, ngày 16-8, CNN cho biết nhiều
nước, trong đó có Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, đã tạm
thời đóng cửa Đại sứ quán và sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi quốc gia
Tây Nam Á. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Taliban
“thực hiện kiềm chế tối đa” ở Afghanistan nhằm “bảo vệ sinh mạng và bảo
đảm các nhu cầu nhân đạo có thể được giải quyết”.
Có thể nói điều quan trọng nhất hiện nay đối với Afghanistan
là một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên liên quan trên cơ sở đặt lợi
ích của người dân lên trên hết. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của
cộng đồng quốc tế. Tất cả đều phải nỗ lực để góp phần mang lại hòa bình và ổn định
cho Afghanistan, đảm bảo một môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển của
khu vực và thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét