Suốt thời gian vừa qua, đã có rất nhiều những thảo luận về
"mục tiêu kép", có nên giữ "mục tiêu kép" hay không. Chúng
ta không thể phủ nhận những con số tích cực gần đây về thu ngân sách Nhà nước 7
tháng đầu năm vượt cùng kỳ năm trước, những ổn định về vĩ mô như lạm phát khá
thấp, tăng trưởng của ngành nông nghiệp, xuất khẩu ấn tượng trong bối cảnh đại
dịch đều là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện
"mục tiêu kép" suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện tại, việc
duy trì mục tiêu phát triển kinh tế ấn tượng như giai đoạn trước dịch chắc chắn
sẽ gây ra những mất mát về con người và kinh tế lớn hơn nhiều những lợi ích
kinh tế có thể đạt được. Hãy tưởng tượng những hậu quả lớn thế nào có thể xảy
ra nếu dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tấn công các nhà máy sản xuất và chuỗi
cung ứng ngành hàng và hệ thống y tế sụp đổ.
Vì vậy, việc linh hoạt trong thực hiện mục tiêu
kép là cấp thiết. Điều này cũng đã thể hiện trong những thay đổi về chính sách
những tuần gần đây. Sau một thời gian chần chừ trong việc phong tỏa, Chỉ thị 16
đã được áp dụng ở 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội. Đặc biệt, một số địa phương đang
thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn cả Chỉ thị 16 mà chúng ta hay gọi là Chỉ
thị 16+.
Vậy có thể hiểu, "mục tiêu kép" ngay tại thời điểm này là
thực hiện cách ly, giãn cách để giữ tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh ở mức không gây
quá tải so với giới hạn năng lực điều trị của hệ thống y tế và bệnh viện tại
mỗi địa phương. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sinh mạng của người dân
trong mùa dịch.
Song song đó, chúng ta phải giữ cho nền kinh tế luôn tồn tại, ít
nhất là ở mức duy trì được sự cung ứng của các hàng hóa, dịch vụ giúp người dân
duy trì cuộc sống cơ bản, giúp quốc gia duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu
để chờ đợi sự phục hồi, vực dậy sau khi dịch lắng xuống. Ví dụ như lương thực,
thực phẩm, các đồ dùng sinh hoạt cần thiết hàng ngày, thuốc men, thuốc chữa trị
các triệu chứng Covid-19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét