Trên tuyến đầu chống "giặc Covid-19" nơi tâm dịch Bắc Ninh thời gian gần đây, chúng tôi rất cảm kích trước tinh thần cống hiến hy sinh của những “bông hồng thép” ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (DCTN) số 1 Bộ Quốc phòng (BQP). Các nữ thầy thuốc ấy không chỉ gác lại niềm riêng mà còn vượt lên bản thân, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Tổ quốc cần, chúng tôi lên đường
Gần 4 giờ một ngày trung tuần tháng
5, chuông điện thoại reo vang khiến Đại úy Đinh Thị Thu Hiền, Phó chủ nhiệm
Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Quân y (BVQY) 354 (Tổng cục Hậu cần) choàng tỉnh.
“Giờ này chắc chỉ cơ quan có việc gấp mới gọi”, vừa đưa tay với chiếc điện thoại,
ý nghĩ vừa thoảng trong đầu chị Hiền. Đúng như linh tính mách bảo khi hiện trên
màn hình là số máy của Đại tá Trần Tuấn Nga, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm, BVQY
354. Bên kia đầu dây, người chỉ huy thông báo: “Bộ Quốc phòng điều động lực lượng
lên tuyến đầu chống dịch Covid-19, đồng chí chuẩn bị quân tư trang cá nhân đến
ngay bệnh viện để nhận nhiệm vụ”. Không một giây suy nghĩ, khẩu lệnh “rõ” phát
đi từ trái tim người nữ thầy thuốc. Gấp vội mấy bộ quần áo cùng đồ dùng cá
nhân, Đại úy Đinh Thị Thu Hiền đến thẳng bệnh viện. Khi trời sáng tỏ, chị mới gọi
điện thoại nhờ bố mẹ chồng sang nhà trông nom, nhắc nhở hai con nhỏ học hành.
Cũng sáng hôm ấy, như thường lệ, Thiếu
tá QNCN Cao Thị Quỳ, Điều dưỡng viên Khoa Điều trị bỏng trẻ em, Bệnh viện Bỏng
Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cũng đến cơ quan từ sớm. Nhận bàn giao từ
kíp trực đêm trước, chị chuẩn bị đầy đủ bệnh án, thuốc men, đang cùng các thầy
thuốc điểm bệnh thì nhận được thông báo lên đường theo đội hình của Bệnh viện
DCTN số 1 BQP. Chồng chị Quỳ cùng công tác trong bệnh viện, hiểu rõ nhiệm vụ của
người chiến sĩ áo trắng trước "giặc Covid-19" nên động viên vợ yên
tâm thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với chị Hiền, chị Quỳ, trong đội
hình Bệnh viện DCTN số 1 BQP còn có hàng chục nữ quân nhân, như: Trung tá QNCN
Vũ Thị Thương, Thiếu tá QNCN Hoàng Hà Thanh, Thiếu tá QNCN Trần Thị Thoa, Thiếu
tá QNCN Trần Thanh Hà, Thiếu tá QNCN Hoàng Thị Hà Thanh, Đại úy QNCN Vũ Thị
Chinh, Trung úy QNCN Trần Thị Thu Nga và lao động hợp đồng Hà Thị Phương Thảo ở
BVQY 354; Trung tá QNCN Nguyễn Minh Phương, Thiếu tá QNCN Đặng Thị Ngon, Thiếu
tá QNCN Nguyễn Thị Lý, Thượng úy Phạm Thị Huyền Trang, Thượng úy QNCN Hoàng Thị
Thắm ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác; Thiếu tá Phạm Thị Kim Nhung ở Viện
Y học dự phòng Quân đội... Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi Tổ quốc, nhân dân
cần, tất cả các chị, các em đều gác niềm riêng để lao vào tâm dịch cứu chữa,
chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Nữ chiến binh" giữa tâm dịch
Chúng tôi đến Bệnh viện DCTN số 1 BQP
đã quá 11 giờ trưa, vừa lúc ấy thì kíp trực của Đại úy Nguyễn Thị Hòa, Khoa A3,
BVQY 105-Bác sĩ Khoa Điều trị bệnh nhân nhẹ, Bệnh viện DCTN số 1 BQP và hai điều
dưỡng viên là Thiếu tá Trần Thị Thoa, Thượng úy Phạm Thị Huyền Trang cũng hoàn
thành ca trực ra tới khu đệm.
Quan sát các nữ thầy thuốc cẩn trọng
cởi bộ đồ bảo hộ số 4 mới thấy hết sự gian khổ mà họ vừa trải qua. Khuôn mặt ai
cũng như "chín" lừ vì được “xông hơi” ở nhiệt độ cao nhiều giờ. Dấu vết
chiếc khẩu trang, kính chắn giọt bắn hằn sâu thành rãnh trên khuôn mặt. Bộ quần
áo blouse không đủ thấm lượng mồ hôi chảy thành dòng. Nhiều ngày giữa tâm dịch
Bắc Giang, Bắc Ninh, cũng nhiều lần phải mặc những bộ quần áo bảo hộ vào khu vực
có nguy cơ lây nhiễm cao nên chúng tôi hiểu hơn ai hết ý chí thép trong thân
hình mảnh mai của những nữ thầy thuốc.
Đưa ánh mắt cảm thông, thấu hiểu dành
cho cán bộ, nhân viên, Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc BVQY 354,
Giám đốc Bệnh viện DCTN số 1 BQP, không quên nhắc nhở chị em chú ý việc sát khuẩn.
Quay sang chúng tôi, anh Khánh bảo rằng: “Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, Bắc
Ninh, Bắc Giang những ngày hè nắng như đổ lửa. Các bác sĩ và điều dưỡng viên
khi làm việc đều phải mặc bộ đồ bảo hộ số 4 trong nhiều giờ nên mồ hôi ra rất
nhiều, cơ thể tăng nhiệt và mất điện giải. Trong khi đó, khu điều trị bệnh nhân
Covid-19 tuyệt đối không được dùng máy điều hòa nhiệt độ nên anh chị em lại
càng vất vả, gian khổ hơn”.
Tìm hiểu công việc ở bệnh viện DCTN,
chúng tôi được biết, trong suốt quá trình làm việc, thăm khám, chăm sóc, phục vụ
bệnh nhân, tất cả các thầy thuốc, nhân viên không thể nghỉ tay, uống nước... bởi
cơ thể luôn kín mít trong bộ đồ phòng hộ. Đối với chị em, điều đó lại càng vất
vả. Tất cả các nữ y, bác sĩ phải chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào ca trực.
“Có những đêm bệnh viện phải thu dung
rất nhiều bệnh nhân. Sau khi đón tiếp, thăm khám, tiến hành các xét nghiệm và ổn
định bệnh nhân vào các khoa điều trị thì trời đã gần sáng. Nhiều bệnh nhân là
người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền nên công tác chăm sóc càng
khó khăn. Ngoài việc điều trị SARS-CoV-2, các bác sĩ, điều dưỡng viên còn kiêm
luôn cả bảo mẫu, người phục vụ bởi ngoài họ không ai được phép vào trong khu điều
trị của bệnh nhân truyền nhiễm”, Đại tá Lê Văn Hòa, Phó giám đốc BVQY 105, Phó
giám đốc chuyên môn Bệnh viện DCTN số 1 BQP nói với chúng tôi.
Tất cả vì sức khỏe và tính mạng nhân
dân
Với các thầy thuốc, điều dưỡng viên
khoa khám bệnh, điều trị là thế, chị em ở khoa xét nghiệm, chống nghiễm khuẩn
và các bộ phận khác cũng không nhàn hơn chút nào. Thượng tá Bùi Thị Kim Quế,
Phó chủ nhiệm Khoa Chống nhiễm khuẩn BVQY 354-Chủ nhiệm Khoa Chống nhiễm khuẩn
Bệnh viện DCTN số 1 BQP, cho biết: Việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
DCTN yêu cầu chuyên môn rất cao. Đây là yếu tố không chỉ bảo đảm cho bệnh nhân
mà còn giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên-vấn đề quyết định đến
lực lượng chiến đấu của bệnh viện DCTN.
Do đó, ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở
bệnh nhân mở cửa thông thoáng phòng, thực hiện sát khuẩn bề mặt tiếp xúc, đến
việc thu gom rác thải, xử lý quân trang đã qua sử dụng đều đòi hỏi kỹ năng và
trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Khi làm việc
trong khu lây nhiễm (khoa khám bệnh, khu điều trị) cán bộ, nhân viên đều phải
mang mặc bộ đồ bảo hộ. Các quy định bảo đảm an toàn phải được đặt lên hàng đầu
và thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. “Chính vì thế mà ở bệnh viện DCTN, tất cả
các chiến sĩ khi bước vào ca trực là như bước vào một cuộc chiến đấu với
"giặc Covid-19”, Thượng tá Bùi Thị Kim Quế nhấn mạnh .
Trong câu chuyện với chị em trong khoảng
thời gian ít ỏi giữa hai ca trực, tôi rất xúc động khi nghe kể về chồng Đại úy
Đinh Thị Thu Hiền đã mất trong một vụ tai nạn thương tâm. Những năm qua, chị
nén nỗi đau nơi sâu thẳm tâm hồn để chăm sóc hai con, phụng dưỡng cha mẹ hai
bên, đồng thời luôn trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt công việc cơ quan. Ở vào
hoàn cảnh như thế nhưng Hiền không một chút đắn đo, vững bước lên đường chống
"giặc Covid-19". Với trách nhiệm trưởng khoa xét nghiệm của bệnh viện
DCTN, Hiền không chỉ gương mẫu, đi đầu trong công tác mà luôn gần gũi, quan tâm
động viên anh chị em cán bộ, nhân viên. Là một cán bộ mạnh mẽ, quyết đoán nhưng
để ý trong đôi mắt chị vẫn ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín...
Trên “trận địa” đặc biệt này, ngoài
thời gian công tác, chiến đấu với SARS-CoV-2, các nữ thầy thuốc, nhân viên luôn
coi nhau như chị em ruột thịt trong gia đình, gần gũi, sẻ chia những chuyện buồn
vui. Hôm con gái của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Lý thi chuyển cấp vào lớp 10, dù
kết quả cả 5 năm học THCS cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhưng chị rất
lo lắng vì không thể ở bên con trong thời điểm quan trọng. Thấu hiểu điều đó,
con gái chị luôn động viên mẹ yên tâm công tác, giữ gìn sức khỏe, hứa sẽ cố gắng
học hành. Ngày cháu thông báo kết quả trúng tuyển vào Trường THPT Lê Quý Đôn
(Hà Đông, Hà Nội) đúng như nguyện vọng, niềm vui của chị Lý cũng là niềm vui
chung của thành viên Bệnh viện DCTN số 1 BQP, bởi dù chỉ mới thành lập nhưng họ
đã gắn bó như một gia đình lớn.
Trong bộn bề công việc, giữa gian khổ
và cả hiểm nguy có thể phơi nhiễm SARS-CoV-2 bất cứ lúc nào, các nữ thầy thuốc
nơi đây luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. Thượng tá Bùi Xuân Dũng, Phó chính ủy
Trường Cao đẳng Hậu cần 1 (Tổng cục Hậu cần)-Chính ủy Bệnh viện DCTN số 1 BQP,
kể rằng: “Mỗi khi ca trực phải kéo dài do có nhiều bệnh nhân cần sự giúp đỡ thì
ở nhà những phần cơm canh luôn được chị em chu đáo chuẩn bị. Khi ai đó vì nhớ
chồng, thương con, lo cho cha yếu, mẹ già, các chị, các em lại cùng nhau chia sẻ.
Cảm xúc khiến giọt nước mắt của những “bông hồng thép” có thể rơi trong khoảnh
khắc, giây phút nào đó nhưng tuyệt nhiên khi nhân dân cần đến, khi bước vào ca
trực, khi phải chiến đấu với SARS-CoV-2, họ lại mạnh mẽ đến không ngờ"...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét