Sau tiêm vắc-xin
Covid-19, một số người bị sốt, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, khó chịu Vậy, những dấu
hiệu nào cho thấy cần liên hệ y tế ngay để được xử trí kịp thời?
Bộ Y tế vừa có hướng
dẫn về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong đó lưu ý, khi thấy một trong 8 dấu
hiệu sau, người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động
hoặc đến thẳng bệnh viện.
Cụ thể: Miệng thấy
có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím
tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; họng có cảm giác ngứa, căng
cứng, nghẹn họng, nói khó.
Ngoài ra, về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì;
ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh
trống ngực kéo dài, ngất; đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu
chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái. Đặc biệt, toàn
thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường, đau dữ dội
bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn, sốt cao liên tục
trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Khi thấy một trong
các dấu hiệu trên, người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu
động hoặc đến thẳng bệnh viện.
Khuyến cáo thêm
với người dân sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn
phòng tiêm chủng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết sau
tiêm vắc-xin Covid-19, mọi người cần tự theo dõi kỹ, thông báo cho y tế để được
giúp đỡ, ghi nhận và đánh giá trường hợp của mình. "Không tự điều trị, cần
thông báo cho y tế" - bác sĩ Thái nói.
Ngoài ra, bác sĩ
Thái cũng khuyên khi bản thân cảm thấy lo lắng, bất thường sau tiêm mà không
giải thích được thì cần đến ngay viện. Đây là điều đầu tiên nghĩ đến trước khi
có dấu hiệu rõ ràng. Cụ thể là trường hợp phù nề, đau bụng, nhịp tim nhanh là
biểu hiện sớm của phản vệ cần thông báo y tế để xử trí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét