Một là, dùng thực tiễn để bảo vệ lý luận, lấy thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân làm chỗ dựa vững chắc cho tư tưởng.
Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là thực tiễn như Mác đã từng nói “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”(2). Không một lý thuyết nào có thể đứng vững nếu lý thuyết đó không giúp làm thay đổi thực tiễn theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cũng như vậy, với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, trong điều kiện mới của đất nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng ngày càng được khẳng định bằng chính thực tiễn sinh động của Việt Nam.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, giáo dục và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một thứ tín ngưỡng hay giáo điều cứng nhắc, mà là một học thuyết mang tính mở, sáng tạo, gắn liền với sự phát triển của thực tiễn, hay nói cách khác, là thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Muốn bảo vệ một cách đúng nghĩa nhất phải thực sự sử dụng vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải phát huy sức mạnh thế giới quan và phương pháp luận của nền tảng tư tưởng trong hoạt động thực tiễn, nghĩa là phải có ích cho việc phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề của thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được nuôi dưỡng, bổ sung và phát triển bằng thực tiễn cuộc sống. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là để vận dụng vào chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Nói cách khác, thực tiễn hằng ngày chính là nguồn sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, do đó, tách rời thực tiễn đất nước khỏi nền tảng tư tưởng vừa khiến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên giáo điều, vừa làm chậm quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Ba là, phê phán nền tảng tư tưởng của thế lực thù địch và phản động.
Nhiều nhà tư tưởng phương Tây, từ các góc độ của mình đã tập trung phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Bên cạnh việc thảo luận học thuật, chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, việc chống lại các nền tảng tư tưởng của các luận điệu sai trái đó, đấu tranh với các hệ tư tưởng thấm đẫm trong các trào lưu chính trị cũng là một việc làm hết sức quan trọng. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm và đấu tranh với các hình thức cực đoan của các loại chủ nghĩa khác, như chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân tộc dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đế quốc,... Cụ thể, chủ nghĩa tự do mới phản đối sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, cực đoan hóa vai trò của thị trường tự do, quá thiên về chủ nghĩa cá nhân; chủ nghĩa dân tộc dân túy cực đoan hoá chủ nghĩa dân tộc, đe dọa đến hòa bình và thịnh vượng chung…Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vốn được đúc kết từ tinh hoa trí tuệ dân tộc và nhân loại, vì vậy phải được sử dụng để đối thoại với các trào lưu tư tưởng tiến bộ hiện nay, để hấp thụ, chuyển hóa và sử dụng những giá trị hợp lý phục vụ cho dân tộc và cộng đồng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không tách rời kho tàng trí tuệ nhân loại, không quay lưng với thế giới, không “một mình một kiểu”. Chủ nghĩa Mác - Lênin không xa lạ với những giá trị của thế giới phương Tây đương đại, như tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng tự do, bình đẳng, dân chủ, bác ái, bao dung,... vì những giá trị này cũng chính là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét