Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Những mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay

 


Thống nhất với quan điểm mácxít về mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay, phân tích làm rõ những biểu hiện mới cả về hình thức và mức độ của mâu thuẫn trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta khẳng định: Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển.

- Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản

Đây là mâu thuẫn cơ bản, nổi bật xuyên suốt thời đại quá độ mang tính toàn cầu. Biểu hiện mới của mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn hiện nay thể hiện chủ yếu trên 2 mặt:

+ Chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ cùng các thế lực phản động quốc tế tăng cường cấu kết chống phá hòng xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại bằng nhiều thủ đoạn, đặc biệt là thủ đoạn “diễn biến hòa bình” với cuộc đấu tranh của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới nhằm giữ vững và phát triển thành quả của chủ nghĩa xã hội.

+ Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và chủ nghĩa tư bản ra sức tận dụng quá trình toàn cầu hóa để thực hiện các mục tiêu chiến lược đối lập nhau. Đó là: chủ nghĩa tư bản sử dụng lợi thế về vốn, công nghệ, thông qua các hình thức đầu tư, hợp tác, viện trợ, chuyển giao công nghệ...thực hiện mưu đồ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Trong khi đó, các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam... cũng ra sức tận dụng toàn cầu hóa để thực hiện “rút ngắn” quá trình phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Từ đó dẫn tới hình thức mới của mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là vừa hợp tác vừa đấu tranh của các nước xã hội chủ nghĩa để giữ vững con đường phát triển.

- Mâu thuẫn giữa tư bản và lao động

+ Đây là mâu thuẫn giữa hai giai cấp cơ bản trong xã hội tư bản chủ nghĩa, phản ánh bản chất bóc lột lao động làm thuê của giai cấp tư sản.

+ Do sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, nhất là sự điều chỉnh về quan hệ sản xuất: công nhân có cổ phần, được chia lợi nhuận trong các công ty, đời sống người lao động có phần được cải thiện...,  mâu thuẫn này hiện nay, về mặt hình thức biểu hiện (bề ngoài) có vẻ lắng dịu, nhưng thực chất, ở các nước tư bản, sự thống trị bóc lột của tư bản đối với lao động đang diễn ra tinh vi hơn, quy mô ngày càng lớn hơn. Sự bóc lột của tư bản đối với lao động đã dẫn tới sự phân cực xã hội giữa giai cấp tư sản ngày càng giầu có hơn và các tầng lớp lao động ngày càng nghèo khổ, bần cùng hơn trong xã hội tư bản.

Thí dụ ở Mỹ, hiện 1% số người giầu nhất đã nắm giữ 53% tổng lượng cổ phiếu, 64% chứng khoán, tài sản của số người này chiếm hơn 1/3 tài sản quốc gia của Mĩ; trong khi đó số người nghèo đói năm 2003 ở Mĩ là 35,9 triệu người, trung bình cứ 8 người thì có 1 người sống dưới mức nghèo khổ, 3,5 triệu người không có nhà cửa[1].

+ Trên quy mô toàn cầu thì sự thống trị, bóc lột của tư bản thông qua các công ty xuyên quốc gia đối với lao động, đặc biệt là đối với lao động ở các nước đang phát triển và kém phát triển có mặt còn nặng nề hơn.

=> Theo báo cáo của Liên hợp quốc về phát triển con người, chỉ trong vòng 5 năm (1995 - 2000): 200 người giầu nhất thế giới đã tăng gấp đôi số tài sản của họ lên hơn 1000 tỉ USD; trong khi đó 1,3 tỉ người sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập bình quân 1USD/1 người/1 ngày vẫn không thay đổi. Tỉ lệ khoảng cách GDP theo đầu người giữa các nước giầu nhất và nghèo nhất cũng gia tăng nhanh chóng: năm 1820 là 3/1, năm 1913: 11/1, thập niên 1960: 31/1, thập niên 1980: 61/1, thập niên 1990: 72/1, đến năm 2000 là 86/1[2].

+ Sự phân cực giầu - nghèo ngày càng lớn - biểu hiện quy mô bóc lột của tư bản đối với lao động ngày càng tăng, sẽ đẩy nhanh sự chín muồi của mâu thuẫn giữa tư bản và lao động. Hệ quả tất yếu của nó là sự bùng nổ xã hội. Các cuộc đấu tranh của công nhân và các tầng lớp lao động khác chống sự thống trị, bóc lột của chủ nghĩa tư bản sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính cuộc đấu tranh đó sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.

- Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với CNĐQ

Vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, hàng trăm nước thuộc địa và phụ thuộc giành được độc lập dân tộc, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Tuy nhiên nhiều nước độc lập chỉ trên danh nghĩa, còn thực chất vẫn bị lệ thuộc, bị chủ nghĩa đế quốc chi phối cả về kinh tế và chính trị.

Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc hiện nay có những biểu hiện mới. Đó là:

+ Sự cách biệt ngày càng lớn giữa các nước tư bản giầu có với các nước nước nghèo. Chủ nghĩa tư bản còn ra sức bòn rút chất xám ở các nước lạc hậu, đẩy các nước đó tới chỗ kiệt quệ, biến các nước đang phát triển thành bãi thải không chỉ công nghệ lạc hậu mà còn cả các đồ phế thải công nghiệp làm ô nhiễm môi sinh, cả những rác rưởi, cặn bã suy đồi về tinh thần, đạo đức để phá hủy tận gốc đời sống và con người ở các nước kém phát triển.

+ Chủ nghĩa đế quốc ra sức áp đặt về kinh tế, chính trị, giá trị tư sản như đa nguyên, đa đảng, dân chủ, nhân quyền, đạo đức, lối sống... theo quan điểm tư sản lên các nước đang phát triển và kém phát triển. Trong khi đó, các quốc gia độc lập có chủ quyền hoặc chưa  hoàn toàn độc lập phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại sự can thiệp, áp đặt của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc để bảo vệ độc lập chủ quyền và con đường phát triển của mình. Tình hình đang diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi và nhiều nơi khác trên thế giới đã nói lên tính phức tạp trong cuộc đấu tranh chống sự can thiệp và xâm lược, đồng thời ở khu vực này còn phải chống lại cả sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khắc phục những xung đột dân tộc và sắc tộc đẫm máu.

Như vậy, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn hiện nay đã chuyển thành mâu thuẫn giữa các nước chậm phát triển với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao.

-  Mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau

Quan hệ giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau là quan hệ liên minh giữa các thế lực, các tập đoàn tư bản để cùng tìm kiếm và giành giật nhau về lợi ích. Thực chất quan hệ liên minh giữa các nước tư bản là liên minh trong cạnh tranh và thôn tính lẫn nhau. Song chúng luôn có sự thống nhất về mục đích chống phá chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới.

Mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau thường xuyên diễn ra, lúc gay gắt, lúc thầm kín. Biểu hiện mới của mâu thuẫn này trong giai đoạn hiện nay thể hiện:

+ Xu hướng “đa cực” chống “đơn cực” của Mỹ

Mỹ là trung tâm phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản hiện đại, ra sức mưu toan khống chế các nước tư bản khác và làm bá chủ thế giới. Các trung tâm khác như Tây Âu (chủ yếu là Cộng hòa liên bang Đức, Pháp) và Nhật Bản cũng ra sức trở thành siêu cường kinh tế; vừa là đồng minh vừa là đối thủ của Mỹ.

+ Cạnh tranh kinh tế, tranh chấp thị trường, chiến tranh thương mại cả trong và ngoài khuôn khổ WTO, thể hiện tập trung ở trục: Mỹ - Tây Âu - Nhật Bản và ở các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Ngoài ra, giữa các tập đoàn tư bản khác nhau trong từng nước tư bản chủ nghĩa cũng có những mâu thuẫn gay gắt trong việc giành giật ưu thế về quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị.

Tóm lại, với tư duy mới, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc mâu thuẫn của thời đại trong giai đoạn hiện nay và khẳng định: các mâu thuẫn của thời đại ngày nay vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển sâu sắc hơn với những hình thức, mức độ biểu hiện mới so với trước đây. Những biểu hiện mới đó của mâu thuẫn cơ bản nói lên đặc điểm, tính chất thời đại, phản ánh tính chất phức tạp, quanh co của sự vận động lịch sử trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội.

 



[1] Theo Nhât. báo phố Wall ngày 15 tháng 6 năm 2004.

[2] Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra trong tình hình hiện nay, Nxb CTQG, H. 2008, tr.15.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét