Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

NHỮNG NGƯỜI TIÊM SAU

Nhóm người cao tuổi yếu thế, người lang thang, không đủ giấy tờ tùy thân có lẽ là thành phần dễ tổn thương nhất trong tiếp cận vaccine. Khi TP HCM bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine, tôi không tìm được thông tin hướng dẫn người vô gia cư hay người không giấy tờ tùy thân làm sao có thể đăng ký tiêm và tới khi nào sẽ được tiêm? Tháng 4/2020, Sài Gòn thực hiện giãn cách lần đầu tiên. Tôi nghĩ ngay đến những người vô gia cư, đặc biệt người vô gia cư lớn tuổi. Họ không có nhà, sống lang thang, ngủ trên xích lô hay vỉa hè, gầm cầu. Tôi liên hệ bạn bè và tìm được mái ấm Mai Tâm ở Thủ Đức do một cha xứ phụ trách, xin làm nơi cư ngụ cho các bác cao tuổi vô gia cư trong những ngày giãn cách. Đăng lên mạng thông tin, tôi tìm được các tình nguyện viên, những người chưa từng gặp giúp tôi tìm kiếm người cao tuổi lang thang trên các con đường. Những ai muốn vào mái ấm ở tạm được đưa đến chỗ của các cha. Đường phố ngày giãn cách vắng lặng, chúng tôi thấy người đàn ông khoảng 65 tuổi, da bọc xương đang nằm thở thoi thóp trên vỉa hè quận 10. Ông nằm mê mệt trên tấm nệm cũ, xung quanh toàn rác và đồ ăn thừa ai đó đã cho. Tình nguyện viên đã nhờ các anh công an phường hỗ trợ đưa ông đến mái ấm. Ông gần như không thể ngồi dậy và đủ sức để trò chuyện nên chúng tôi không thể hỏi tên. Công an địa phương kể, ông đã sống trên vỉa hè từ lâu và không ai rõ hoàn cảnh cụ thể. Về tới mái ấm, đến đêm, ông trở nặng, thở khó khăn và yếu dần. Cha xứ bàn với tôi đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Thủ Đức. Bệnh viện chẩn đoán ông bị suy hô hấp do viêm phổi nặng, nghi ngờ lao, suy tim và suy kiệt nặng, chuyển tiếp sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Mái ấm phân công một cha vào viện chăm sóc ông mỗi ngày. Mỗi khi tỉnh, ông đều lo lắng hỏi về phí điều trị, giúi vào tay cha xứ vài đồng tiền lẻ đã xin được. Rất may, chúng tôi đã tổ chức quyên góp trên mạng và có đủ tiền viện phí. Nhưng cuối cùng, người đàn ông vẫn không qua khỏi, lặng lẽ qua đời ở bệnh viện vì suy hô hấp. Không tên tuổi, không giấy tờ, không người thân, chỉ có hai cha xứ lặng lẽ làm một tang lễ giản đơn. Chúng tôi còn chẳng biết ông theo tôn giáo nào để làm lễ tang cho phải đạo với người đã khuất. Một bác lớn tuổi khác, đạp chiếc xích lô cũ kỹ, treo đầy đồ đạc và cũng là căn "nhà" của mình để theo các tình nguyện viên đến mái ấm. Bác tâm sự rằng từ khi nghe tin dịch bùng phát bác lo lắm. Loa phường ngày nào cũng nhắc mọi người ở nhà không ra đường mà bác có nhà đâu để ở. Nhà của bác là đường, giờ không cho ở đường thì biết đi đâu. Nếu chẳng may mắc Covid, bác không biết có bệnh viện nào nhận không vì chẳng có giấy tờ. Vào mái ấm tạm trú ngụ, người đàn ông nói, hết dịch nhất định đi ngay để nhường chỗ cho người khác cần ở mái ấm hơn. Đợt Sài Gòn giãn cách này, tôi đang ở Mỹ và tự hỏi, không biết những cô chú trú ngụ ở mái ấm đợt dịch trước đang ở đâu? Bạn bè và đồng nghiệp tôi bảo người vô gia cư và người nghèo năm nay còn nhiều hơn năm ngoái. Trong y tế cộng đồng, nhóm dễ tổn thương nhất gồm: người sức khỏe yếu và nhiều nguy cơ, nhóm gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, đăng ký vaccine và những người khó khăn trong di chuyển. Và đây cũng là nhóm cần được ưu tiên tiếp cận vaccine. Nhóm người có nguy cơ sức khỏe gồm người trên 60 tuổi, người khuyết tật, mắc các bệnh như Down hay CP, người có bệnh nền, bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, ung thư... Nếu mắc Covid, họ có thể bị nặng hơn và nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Do đó, đây là nhóm dân số được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên ở hầu hết các nước. Tại Mỹ, người cao tuổi, khuyết tật và có bệnh nền được tiêm chỉ sau các nhân viên y tế. Một nhóm khác cũng được xem là có nguy cơ cao trong đại dịch là những người khó có điều kiện thực hiện giãn cách và dễ mắc Covid hơn, gồm người nghèo, vô gia cư, học viên các trung tâm cai nghiện, bảo trợ xã hội và tù nhân. Thái Lan và Mỹ từ năm ngoái đã chứng kiến tỷ lệ lây lan Covid-19 rất cao trong các nhóm này. Sau khi có 35.000 ca dương tính với Corona virus trong nhà tù, chính phủ Thái Lan đã tiêm vaccine khẩn cấp cho tù nhân. Với thủ tục đăng ký tiêm vaccine của Việt Nam hiện nay, nhiều người yếu thế có thể gặp khó khăn trong việc tìm thông tin tiêm và đăng ký. Họ có thể sẽ bị tiếp cận vaccine sau nhiều nhóm khác. Đó còn là những người trình độ học vấn chưa cao, không sử dụng Internet nên không tiếp cận được thông tin. Việc đăng ký tiêm vaccine qua trang điện tử hay ứng dụng điện thoại là sáng kiến hay, nhưng cũng sẽ có một bộ phận người lớn tuổi, người không quen sử dụng công nghệ, người khiếm thị và khiếm thính gặp khó khăn trong việc đăng ký. Khó khăn nhất vẫn là những người không có nơi cư trú ổn định hoặc không có giấy tờ. Những ngày bang Massachusetts nơi tôi ở triển khai tiêm vaccine, đồng nghiệp và bạn bè tôi là nhân viên xã hội làm việc không ngừng nghỉ để giúp đỡ các thân chủ của họ thuộc nhóm yếu thế được tiêm vaccine. Chính quyền bang đã mở các điểm tiêm dành riêng cho những người yếu thế để họ tiếp cận vaccine tốt hơn. Những điểm này có thể tiêm cho cả người không có giấy tờ tùy thân nếu có sự xác nhận của nhân viên xã hội hoặc nhân viên y tế. Tôi mới gọi cho người bạn lớn tuổi tại Việt Nam. Bác là doanh nhân người Pháp sống tại TP HCM nhiều năm. Bác rất lo lắng vì "không biết liệu chính phủ Việt Nam có cho người lớn tuổi nước ngoài đăng ký tiêm vaccine không". Tôi gửi cho bác trang web của bộ Y tế và giúp bác đăng ký. Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh, không để ai bị bỏ lại phía sau và "vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả". Vì thế, cơ quan y tế Việt Nam có thể giúp đỡ người thiểu số và người nước ngoài bằng cách công bố thông tin bằng nhiều thứ tiếng và thiết lập hệ thống tiêm thân thiện, ít nhất là có song ngữ Anh - Việt. Với những người đến lượt tiêm vaccine nhưng lại chưa tiêm được vì lý do di chuyển hay địa lý, như người cao tuổi neo đơn, người có sức khỏe yếu, không thể tự đi lại, người khuyết tật, người ở vùng sâu, họ sẽ khó đến được điểm tiêm vaccine. Vì thế, tôi cho rằng các xe tiêm lưu động là giải pháp. Trong mọi giải pháp y tế công cộng, một chính phủ nhân văn luôn không quên các phương án giúp tăng khả năng tiếp cận và giảm rào cản cho các nhóm yếu thế. Công bằng không có nghĩa là cào bằng. Công bằng là trao cho người thiệt thòi hơn hỗ trợ nhiều hơn các nhóm khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét