Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

Động lực từ gia đình

Trong những ngày tham gia đoàn công tác tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 (Học viện Quân y) điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, chiếc điện thoại là cầu nối duy nhất để Thượng úy QNCN Bùi Võ Hiệu - Điều dưỡng, Khoa Mắt-răng-hàm-mặt, Viện Y học PK-KQ liên hệ với gia đình. Số lượng bệnh nhân nhiều, cường độ công việc cao đã tạo áp lực rất lớn đối với đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng trong bệnh viện dã chiến. Vất vả là vậy nhưng sự động viên từ gia đình đã tiếp thêm sức mạnh để anh cùng đồng đội quyết tâm chiến đấu với giặc COVID-19, đem lại sức khỏe, bình yên cho nhân dân

Anh nhớ đêm 18-5-2021, Viện Y học PK-KQ nhận công văn hỏa tốc tăng cường lực lượng tham gia phòng chống dịch tại Bắc Giang. Anh cùng các đồng chí trong kíp trực phòng, chống dịch COVID-19 nhanh chóng có mặt nhận nhiệm vụ. Khi ấy anh chỉ kịp nhắn với vợ Anh đi công tác chưa biết ngày về, em cố gắng lo việc nhà. Biết tin, chị Nguyễn Thị Thủy thoáng chút lo lắng. Thế nhưng để chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ, chị động viên anh gắng giữ gìn sức khỏe và bảo đảm an toàn. Anh là bộ đội lại công tác trong ngành y nên chị cũng quen với những ca kíp trực của chồng ở bệnh viện, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát hơn 1 năm qua, anh lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng lên đường. Biết vậy chị cũng chuẩn bị tinh thần phòng khi chồng đi công tác xa.

Thượng úy QNCN Bùi Võ Hiệu kể lại: Ở nơi điều trị, tôi đảm nhiệm chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ việc ăn uống, vệ sinh, kiểm tra thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm. Vất vả nhất  là đợt dịch này bùng phát giữa mùa hè nắng nóng. Áo bảo hộ mặc vào là mồ hôi túa ra chảy thành dòng, hơi thở phập phồng làm mờ kính chắn. Chân đi ủng ướt sũng nước, các ngón tay dấp dính mồ hôi nhăn nheo. Sau ca trực, chúng tôi về thay đồ bảo hộ phải rất cẩn trọng, chỉ cần sơ xểnh một chút là có thể bị lây nhiễm chéo.

Về khu nghỉ ngơi, anh tranh thủ gọi điện hỏi thăm gia đình. Bố mẹ anh đã hơn 80 tuổi. Lo nhất là mẹ anh bị hẹp động mạch vành tim phải đặt sten, sức khỏe thay đổi theo thời tiết. Anh cẩn thận dặn dò việc thuốc thang, ăn uống. Khi anh vắng nhà, hai con Bùi Tiến Dũng (lớp 7) và Bùi Khánh Linh (lớp 4) cũng biết bảo ban nhau làm việc nhà và giúp đỡ ông bà. Thường ngày, chị Thủy dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho các thành viên trong gia đình rồi mới đi làm. Tối về, chị lo dọn dẹp nhà cửa. Công việc xong xuôi, vợ chồng mới gọi điện cho nhau san sẻ mọi nỗi niềm.

Đúng dịp đi công tác có sinh nhật của vợ, anh Hiệu chỉ biết gửi gắm tình cảm qua những tin nhắn điện thoại. Chia sẻ niềm vui với chồng, vợ anh dí dỏm cho biết đã có hai con thay bố gửi những lời chúc có cánh rồi chụp lại bức thư của con gái gửi cho anh: Con tên là Bùi Khánh Linh. Gửi mẹ Thủy yêu dấu! Năm nay và năm ngoái lần nào sinh nhật mẹ cũng đều có dịch, con biết mẹ rất buồn. Năm nay định tổ chức sinh nhật cho mẹ thì lại thiếu một thành viên trong nhà đó là bố. Thiếu bố con biết mẹ rất buồn. Nhưng mẹ yên tâm nhé, ở bên cạnh mẹ vẫn có chúng con. Con chắc chắn ở xa bố vẫn có thể chúc mừng sinh nhật mẹ. Con tặng mẹ hai món quà nhỏ không biết mẹ có thích hay không? Có một món quà đặc biệt con không thể tiết lộ trong bức thư này. Con rất yêu mẹ! Con Bùi Khánh Linh. Đọc lời chúc của con gái cùng những trái tim yêu thương vợ gửi qua Zalo, anh rất cảm động. Cả gia đình vẫn luôn dõi theo động viên giúp anh thêm vững tin, sát cánh cùng đồng đội chiến thắng đại dịch để sớm được trở về bên người thân gia đình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét