Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Phải nghiêm khắc rèn luyện bản thân để nhân cách không bị “xuống dốc”

 

Những giá trị tích cực mà nền kinh tế thị trường đã mang lại cho xã hội và con người là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống tiêu cực, văn hóa phẩm độc hại du nhập từ bên ngoài khiến tệ nạn xã hội có nguy cơ trỗi dậy và làm băng hoại đạo đức xã hội, điều đó tác động không nhỏ đến tư tưởng, đạo đức, nhân cách của cán bộ, đảng viên, quần chúng theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Hàng ngày, hàng giờ, trước sự cám dỗ, mê hoặc của những trò chơi giải trí,  hay sự quyến rũ từ vũ trường, nhà hàng, khách sạn với những hình thức, chiêu thức mới sẵn sàng trở thành cái bẫy đối với bất cứ cán bộ, đảng viên, quần chúng nào thiếu bản lĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu nghiêm khắc với chính mình. Chúng ta thấy rằng, trong chiến tranh khói lửa cán bộ, đảng viên, quần chúng chỉ kiên định một lòng đoàn kết cùng nhân dân, bộ đội kề sẵn sàng hy sinh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; hay trong giai đoạn đất nước còn khó khăn thì ai cũng phải lo mưu toan cuộc sống và ít nhiều vẫn giữ được sự trong trẻo của tâm hồn, sự trong sáng của lương tâm, sự lành lặn của đạo đức, do đó ít bị tha hóa, biến chất. Bây giờ trong thời đại 4.0, điều kiện kinh tế, cuộc sống vật chất đã đầy đủ, sung túc hơn xưa; môi trường xã hội thông thoáng, cởi mở hơn; các phương tiện nghe nhìn, truyền thông, văn hóa giải trí đã làm cho con người được tận hưởng tiện ích, thoải mái gấp nhiều lần và cũng từ đó đã làm cho con người “miễn dịch” trước những “cạm bẫy” từ sự hào nhoáng, giả tạo và lệch chuẩn xã hội mà không phải ai cũng dễ nhận diện, phát hiện để tránh xa. Thế nên, có người ví von rằng, thời đại công nghệ có thể tạo bàn đạp, bệ đỡ cho con người vươn tới chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học, nhưng cũng có thể là chiếc xe “không phanh” lót đường cho sự sa ngã, xuống cấp đạo đức nếu con người buông lơi, thỏa thích với những ham hố tầm thường của mình.
Không ngẫu nhiên mà từ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đưa vấn đề xây dựng đạo đức ngang hàng với xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và có hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết, quy định nhằm siết chặt kỷ cương, củng cố văn hóa, chấn chỉnh đạo đức trong Đảng. Bởi sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên khiến nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng và chế độ, đồng thời làm cho nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội có nguy cơ lung lay từ gốc rễ. Do đó, việc Đại hội XII đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc, xây dựng sức mạnh nội sinh cho cách mạng nước ta. Muốn vậy mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng tiếp tục gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, nghiêm khắc rèn luyện bản thân để nhân cách không bị “xuống dốc”, góp phần xây dựng xã hội dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét