Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Phạm Trần xuyên tạc trắng trợn về “quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

 

Phạm Trần viết “Quá độ - nói phét vượt thời gian” đăng trên Danlambao ngày 3/6/2021 là sự bóp méo, xuyên tạc bản chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước hết, cần phải khẳng định với Phạm Trần rằng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đó là nguyên tắc; là vấn đề cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong. Xuyên suốt các văn kiện Đảng qua các kỳ Đại hội, nội dung trọng yếu này luôn được khẳng định. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, những luận điệu đòi “xét lại” nền tảng tư tưởng của Đảng dưới dạng “hiến kế”, “tâm thư”, “góp ý”… theo hướng “tả khuynh” (tìm cách đánh tráo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin bằng những quan điểm vô chính phủ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng…) hay “hữu khuynh” (đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi thay thế những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những quan điểm, cải cách tư sản…); phủ nhận hoặc đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; “xét lại” hay xuyên tạc bản chất chủ trương, đường lối của Đảng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như Phạm Trần nêu ra… đều là phản động và cơ hội chính trị. Bởi vậy, việc đấu tranh để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, bởi đó là nội dung cơ bản, có ý nghĩa sống còn của cả hệ thống chính trị.

Mặt khác, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã được khẳng định từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930); tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện 13 kỳ Đại hội của Đảng. Vấn đề này cũng được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Thực tế, xã hội cộng sản chủ nghĩa với giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mới hoàn toàn về chất so với các chế độ xã hội trước đó. Vì thế, tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, nhiều khó khăn, đầy thử thách và đương nhiên trong hành trình ấy, khó tránh khỏi những va vấp tạm thời. Không phải ngẫu nhiên các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác lại nhấn mạnh trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gôta” rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị”. Và với ý nghĩa đó, nói đến thời kỳ quá độ ở Việt Nam một cách phù hợp, hiệu quả, thì tất yếu phải đề cập tới thời kỳ quá độ gián tiếp, đó là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Từ thực tiễn ở Việt Nam, nội dung độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (được xác định ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tháng 2/1930 và vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được xác định là trải qua thời kỳ quá độ (từ Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930). Và vì, thời kỳ quá độ ở Việt Nam có điểm xuất phát thấp hơn, cho nên sẽ là lâu dài và khó khăn hơn (đã được khẳng định tại Đại hội II của Đảng, tháng 2/1951). Từ Đại hội VII, tháng 6/1991, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất thấp” và lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng luôn phát triển và ngày càng được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện (từ Đại hội VIII, tháng 7/1996 đến Đại hội XIII của Đảng, tháng 1-2/2021). Chính vì thế, Phạm Trần và các thế lực thù địch không thể vì một số những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng để xuyên tạc vai trò của lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân nói riêng và của cả hệ thống chính trị nói chung trong cuộc đấu tranh phòng và chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một lần nữa, cần phải khẳng định với Phạm Trần rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đúng là “ý Đảng hợp lòng Dân” và vì thế đừng có mơ đòi “xét lại”; đồng thời cũng đừng có mong ý đồ thâm độc, thủ đoạn “bôi bẩn” của ông tác động được nhân tâm.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét