Các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động và các tệ
nạn xã hội nếu xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị sẽ gây tác hại khôn lường. Nó
không chỉ làm cho đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ bị vẩn đục mà
còn dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một
bộ phận cán bộ, chiến sĩ; là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch thực hiện âm
mưu “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta.
Nhận thức được sự nguy hại đặc
biệt nghiêm trọng đó, trong thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân
đội nói chung, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) nói riêng đã có nhiều
chủ trương, giải pháp tích cực, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững
mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng nhiều quy chế, quy
định trong quản lý kiểm duyệt, sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông,
các xuất bản phẩm, các nội dung sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... kiện toàn và phát
huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là Phòng truyền thống, Phòng Hồ
Chí Minh, Thư viện, phòng đọc ở các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó đã chủ động ngăn
chặn sự thâm nhập, ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa độc hại; không để các thế
lực thù địch lợi dụng để chống phá chúng ta.
Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, triển khai nội dung này chưa
thực sự hiệu quả, vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa
nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này; năng lực nhận
biết, phân loại, khắc phục tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại... vẫn còn
mức độ. Nội dung, hình thức một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa lành
mạnh chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, chưa lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Hoạt động của một số thiết chế văn hóa (Phòng Hồ Chí Minh, Thư viện, phòng đọc)
chưa hiệu quả, còn nhiều hạn chế.
Để nâng cao hiệu
quả việc phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động và
các tệ nạn xã hội xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị, trước hết, phải nâng cao chất
lượng giáo dục toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ, gắn với việc chủ động ngăn chặn,
đẩy lùi, xóa bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại.
Tập trung nâng
cao ý thức chính trị, đạo đức, pháp luật, trình độ thẩm mỹ cho cán bộ, chiến
sĩ; chú trọng nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
làm cho bộ đội có giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nhận thức đầy
đủ về nhiệm vụ chính trị, về các giá trị văn hóa tiêu biểu của Đảng, của dân tộc,
của Quân đội; bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ về cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng
thẩm mỹ lành mạnh, từ đó nâng cao khả năng xem xét, đánh giá các giá trị thẩm mỹ,
biết phân biệt và đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ những thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc,
phản động, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân
tộc ta.
Nâng cao chất lượng
các hoạt động văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn, lối cuốn đối với cán bộ, chiến sĩ;
tập trung xây dựng, bồi dưỡng để mỗi cán bộ, chiến sĩ là người sống có văn hóa,
mỗi cơ quan, đơn vị là một tập thể sống có văn hóa. Đó không chỉ là việc thực
hiện nền nếp chính quy, xây dựng cơ quan, đơn vị có cảnh quan, môi trường
xanh-sạch-đẹp mà phải là sự biến đổi về chất trên mọi mặt của đời sống bộ đội,
từ nơi ăn, ở, học tập, lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, đến
phương pháp, tác phong làm việc, phương pháp đối nhân xử thế, quan hệ trên dưới,
quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ quân dân...
Trong xây dựng đời
sống văn hóa mới cần chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa văn
nghệ, nhất là ở các đơn vị cơ sở; thường xuyên gắn hoạt động văn hóa, văn nghệ
với các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, hoạt động huấn luyện, SSCĐ...;
tuyệt đối không để xuất hiện các “khoảng trống” để các sản phẩm văn hóa độc hại có cơ hội
xâm nhập.
Xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan, đơn vị thật sự trong sạch, lành mạnh là một trong những giải pháp tối ưu để phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại... xâm nhập vào từng cơ quan, đơn vị; góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, đánh bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét