Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã và đang gây ra nhiều tác hại đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một trong những biến thể của “diễn biến hòa bình”, với những biểu hiện, như: xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên,... trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ là quá trình diễn ra trong nhận thức, tư tưởng, thái độ, tình cảm, hành vi của mỗi người theo chiều hướng tiêu cực, suy giảm và biến đổi về bản chất, đi ngược lại bản chất, truyền thống cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ là tổng thể hoạt động của tổ chức đảng, chỉ huy, đoàn thể trong Quân đội và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện các chủ trương, biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách và luật pháp để ngăn chặn nguồn gốc, nguyên nhân và khắc phục biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi sĩ quan trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ vững mạnh về mọi mặt, có lý tưởng, hoài bão phấn đấu vươn lên, khẳng định tài năng, trí tuệ trong thực tiễn.
Đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội là những người được đào tạo cơ bản, có nhiệt huyết trong công việc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt. Tuy nhiên, do chưa trải nghiệm nhiều trong thực tiễn, nhất là những tình huống phức tạp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, nên khi có tình huống xảy ra dễ lúng túng, mất phương hướng, dẫn đến mắc vào mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch. Nhận rõ điều đó, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội; thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách lãnh đạo, chỉ huy, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, việc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Một số chủ thể, lực lượng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, còn có tư tưởng chủ quan, coi nhẹ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với sĩ quan trẻ; nội dung, hình thức, biện pháp còn đơn điệu, thiếu đồng bộ, tính hiệu quả chưa cao. Do vậy, một số biểu hiện lệch chuẩn giá trị trong nhận thức và hành động của sĩ quan trẻ chưa được khắc phục kịp thời. Một bộ phận sĩ quan trẻ còn bị chi phối bởi những tiêu cực ngoài xã hội và sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch, nên chưa tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là học tập chính trị; thiếu yên tâm xây dựng Quân đội, bản lĩnh chính trị chưa thật vững vàng, vi phạm vào quy định về những điều đảng viên không được làm, có biểu hiện xa rời thực tiễn, cơ sở, v.v.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã đạt được những kết quả tích cực, song còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Trong khi đó, tác động từ mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, khoét sâu vào những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,… đã tác động nhiều chiều đến sự phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội. Bởi vậy, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ đang là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay; trong phạm vi bài viết, xin đề xuất một số nội dung, biện pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ Quân đội hiện nay. Nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ luôn có vị trí quan trọng hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng, chống với biểu hiện này. Nếu các chủ thể, lực lượng nhận thức không thống nhất, không xác định rõ trách nhiệm thì không thể phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội. Trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các chủ thể cần nhận thức rõ các biểu hiện, tác hại, nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay; những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết, không để lây lan, kéo dài, chi phối đến tình hình chung toàn đơn vị. Trên cơ sở đó, xác định yêu cầu, biện pháp thiết thực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ ở các cơ quan, đơn vị trong Quân đội hiện nay.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội. Sĩ quan trẻ trong Quân đội sinh ra và lớn lên trong hoà bình, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, nhu cầu, lợi ích, quan hệ xã hội có sự phát triển rất cao, song cũng rất đa dạng, phức tạp. Đặc biệt, họ chưa được rèn luyện, thử thách trước khi vào Quân đội nên dễ mắc phải những khuyết điểm, hạn chế về phẩm chất chính tri, đạo đức, lối sống, ý chí quyết tâm, sự hy sinh, cống hiến, trách nhiệm đối với Tổ quốc, gia đình và bản thân. Nếu không chủ động phòng ngừa những diễn biến tiêu cực về tâm lý, tư tưởng thì dễ xảy những hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - nguyên nhân chính dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ. Để chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức tiến hành phù hợp lứa tuổi trẻ, đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, song phải toàn diện cả về công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác quản lý. Đối với công tác tư tưởng, tích cực đổi mới nội dung giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; nắm, quản lý, phân tích, đánh giá, phân loại và giải quyết tư tưởng; dự báo xu hướng vận động của những tư tưởng tiêu cực dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ. Đối với công tác tổ chức, chú trọng vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong công tác quản lý, đổi mới hình thức, biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội, quản lý tư tưởng, phát huy dân chủ trong chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, môi trường văn hóa,... đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với sĩ quan trẻ; tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, thông tin chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì và phát huy tốt các hình thức thông báo chính trị, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, truyền thanh nội bộ, góp phần nâng cao nhận thức về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sĩ quan trẻ tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, các cơ quan chức năng đối với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội chịu trách nhiệm lãnh đạo nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ ở cơ quan, đơn vị mình; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, được thể hiện trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, kế hoạch công tác của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và hoạt động của các tổ chức quần chúng. Cơ quan chính trị các cấp làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với đảng ủy cấp mình những chủ trương, biện pháp lãnh đạo phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền thực hiện chủ trương, nghị quyết của đảng ủy cấp mình, sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị cấp trên về nhiệm vụ quan trọng này. Với tư cách là người chủ trì về chính trị của đơn vị, chính ủy, chính trị viên trực tiếp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính trị thuộc quyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ. Đồng thời, trực tiếp tiến hành các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên đề cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nhân dân nơi đóng quân về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội theo cương vị, chức trách được giao.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giáo dục, tự rèn luyện của đội ngũ sĩ quan trẻ. Thông qua tự học, tự giáo dục, rèn luyện, đội ngũ sĩ quan trẻ củng cố thêm những kiến thức về pháp luật, kỷ luật Quân đội và các kiến thức cần thiết khác. Đồng thời, bồi đắp, cập nhật thêm nhiều kiến thức mới, giúp cho quân nhân không bị hụt hẫng, lạc hậu trước sự phát triển của thực tiễn và sự chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó, bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận, niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, ý thức chấp hành kỷ luật,… góp phần hình thành và phát triển bản lĩnh cho đội ngũ sĩ quan trẻ trước diễn biến phức tạp của tình hình. Vì vậy, cùng với sự giáo dục của tổ chức, đoàn thể, mỗi sĩ quan trẻ phải chủ động xây dựng cho mình kế hoạch, nội dung, biện pháp tự học tập, tự giáo dục, rèn luyện một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị và chức trách của mỗi người. Thông qua những hoạt động đó, giúp cho đội ngũ sĩ quan trẻ đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu, nhận thức rõ quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc; tìm ra cách thức, biện pháp tự rèn luyện, tự học tập để phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả hơn. Để phát huy tính tích cực, tự giáo dục, tự rèn luyện của sĩ quan trẻ, cần chú trọng xây dựng động cơ đúng đắn, thái độ, trách nhiệm cao trong mọi hoạt động; quan tâm, định hướng, giúp sĩ quan trẻ xây dựng nội dung, kế hoạch, phương pháp tự học tập, rèn luyện một cách khoa học, phù hợp kế hoạch công tác chung của đơn vị; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, v.v.
Năm là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của sĩ quan trẻ. Trước hết, cần giải quyết hài hòa các mối quan hệ, ứng xử có văn hóa trong đơn vị theo đúng điều lệnh, điều lệ Quân đội; đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cùng với đó, tổ chức tốt các hoạt động thi đua, khen thưởng gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các phong trào, cuộc vận động khác; chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, mô hình sáng tạo. để nhân rộng và phát huy. Đồng thời, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; nhu cầu về đọc báo, đọc sách, văn hóa, văn nghệ, xem phim, thể dục - thể thao, chế độ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cho sĩ quan trẻ. Những nhu cầu chính đáng đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, chăm lo giải quyết hài hòa, thỏa đáng, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, hợp tình, hợp lý, không máy móc, cứng nhắc. Trên cơ sở đó, khơi dậy, động viên tinh thần, góp phần ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện nay.Bài 1. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên
Cần phải khẳng định rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong. Để đấu tranh, bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải bảo vệ vững chắc nội bộ. Nội bộ đoàn kết, không dao động, không "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì thế lực thù địch dù có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt đến mấy cũng khó bề làm lung lạc ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, việc đầu tiên là cần có biện pháp đấu tranh, khắc phục thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ phai nhạt lý tưởng mà còn thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa.
Quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong mỗi cá nhân, tổ chức thường bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, tiến tới du nhập tư tưởng, lý luận phi mác-xít, sẵn sàng "trở cờ" phản bội, đưa đất nước đi theo hướng khác, con đường khác phi xã hội chủ nghĩa. Thực tế là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại trong cả nhận thức và hành động của một số người. Nhận thức đó có thể bắt nguồn từ những vấn đề còn chưa tỏ tường về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kết hợp với sự xuất hiện những thế mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa. Những điều đó đã tác động mạnh tới nhận thức của một số người, trong đó có một số văn nghệ sĩ, trí thức, làm cho nhận thức của họ trở nên mông lung, như người "đứng giữa ngã ba đường".
Để bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng, thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán triệt để hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội dân chủ, chủ nghĩa thực dụng tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục khẳng định chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng, bởi nó vừa thể hiện tính cách mạng triệt để, vừa phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, cần có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống chính trị xã hội và nhân dân. Phê phán, bác bỏ các quan điểm, tư tưởng và ý đồ thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Phát hiện, xử lý kịp thời những âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ các thế lực thù địch, vạch mặt những phần tử cơ hội chính trị, ngăn chặn những hành vi xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn sự chia rẽ mối đoàn kết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và lực lượng vũ trang. Phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, cụ thể là của bộ máy chính quyền các cấp; xử lý đúng đắn những mâu thuẫn nội bộ trong các tầng lớp nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình và các "điểm nóng" về an ninh trật tự trong xã hội. Đồng thời đẩy mạnh việc đấu tranh, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quyết tâm làm trong sạch từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên-đội ngũ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", để tạo cơ sở nền tảng đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét