Sách có phải là mặt hàng thiết yếu không? Cần làm gì để tháo gỡ các điểm nghẽn giúp sách có điều kiện lưu thông thuận lợi? Năm học mới 2021-2022 đang cận kề, làm thế nào để sách giáo khoa (SGK) kịp thời đến tay học sinh?...
Có lẽ ai cũng biết rằng, để sinh tồn thì con người trước hết phải có cơm ăn nước uống hằng ngày. Trong hoàn cảnh thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết người dân phải ở tại nhà, nhiều người ở trong các khu vực cách ly, phong tỏa thì ngoài nhu cầu vật chất, con người luôn có nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ văn hóa để giảm thiểu tâm lý căng thẳng, bồi bổ tinh thần lành mạnh. “Người dân ăn cơm, ăn bánh mì, ăn mì tôm để nuôi dạ dày thì não cũng cần món ăn tinh thần là sách. Do vậy, cần đưa sách vào mặt hàng thiết yếu để con người không rơi vào nguy cơ “đói” tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh”. Đó là ý kiến của hầu hết các đơn vị xuất bản, đơn vị phát hành sách được nêu ra tại hội nghị tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành xuất bản trong bối cảnh dịch Covid-19, do Hội Xuất bản Việt Nam vừa tổ chức.
Ảnh minh họa: vtv.vn |
Cũng như nhiều ngành nghề đang chịu cảnh điêu đứng, thậm chí rơi vào nguy cơ tê liệt, phá sản do tác động tiêu cực của đại dịch, ngành xuất bản nói chung, các nhà xuất bản và công tác phát hành sách nói riêng cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều thị trường sách bị “đóng băng”, nhất là hai thị trường lớn của ngành sách là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội phải đóng cửa rất nhiều hiệu sách, việc bán sách chỉ trông chờ vào hình thức bán trực tuyến. Nhưng do sách chưa được đưa vào diện mặt hàng thiết yếu nên dù một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách tìm được đơn đặt hàng và đầu ra, nhưng cũng khó đến tay người mua vì việc vận chuyển, giao sách cho khách hàng gặp nhiều trở ngại tại nhiều chốt kiểm soát giao thông.
Đặc biệt, trong thời điểm chỉ còn hơn nửa tháng nữa là bắt đầu năm học mới, sự “nghẽn mạch” lưu thông SGK ở nhiều địa phương sẽ chồng chất thêm khó khăn cho ngành giáo dục, cho các thầy cô giáo và học sinh. Theo thông báo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, đã có khoảng 95% SGK được phát hành về các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc vận chuyển sách giáo khoa từ các nhà kho, công ty phát hành về huyện, xã, các nhà trường và phụ huynh, học sinh, giáo viên trước năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, nhiều nước trên thế giới, như: Anh, Pháp, Bỉ, Italy... đã bổ sung sách vào danh mục hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch, vì đây là món ăn tinh thần bổ ích, giải trí lành mạnh để giúp người dân nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn, trí tuệ qua sách, đồng thời cũng là một cách duy trì văn hóa đọc trong xã hội, giúp ngành xuất bản không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sách. Đối với các nước phát triển, việc đưa sách vào diện mặt hàng thiết yếu nhằm giúp thị trường sách không rơi vào nguy cơ “đóng băng” và tạo tiền đề cho ngành công nghiệp xuất bản tiếp tục có cơ hội làm giàu đời sống kinh tế và đời sống văn hóa cho quốc gia.
Rất cảm thông, chia sẻ với toàn xã hội đang phải căng sức gồng mình để chống chọi, đẩy lùi đại dịch, tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác an sinh xã hội, nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ sách, từ đó không chủ động khơi thông các điểm nghẽn trong việc cung ứng, vận chuyển sách, nhất là SGK cho học sinh khi năm học mới đang tới rất gần. Việc tạo điều kiện cho sách lưu thông thuận lợi cũng không ngoài mục đích góp phần thực hiện tốt quan điểm của Đảng và Bác Hồ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét