Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021
Thủ tướng: 'Đã hy sinh để phong tỏa thì phải kiểm soát được tình hình'
Theo người đứng đầu Chính phủ, phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch. Chúng ta đã ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn; nhiều tâm dịch được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường. Những nơi đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp cũng đang nỗ lực cố gắng thực hiện giải pháp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Ghi nhận nỗ lực chống dịch ở các địa phương, song Thủ tướng cũng thắng thắn chỉ ra một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận người dân còn chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên có nơi, có lúc chấp hành chưa nghiêm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh dây dưa, kéo dài.
Ông chỉ ra hai điểm cần rút kinh nghiệm. Thứ nhất, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Thứ hai, phải tập trung kiểm tra, giám sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nghiêm các quy định.
“Mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng chống dịch. Phải quán triệt điều này, nếu không sẽ thất bại”, Thủ tướng lưu ý.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; đi theo mục tiêu, thời hạn cụ thể thì phải có giải pháp, tổ chức thực hiện thực sự nghiêm túc.
“Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về Nghị quyết 86 của Chính phủ, Thủ tướng nhắc lại những yêu cầu quan trọng như “người phải cách ly với người", "ai ở đâu yên đó", "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", cộng với các biện pháp xét nghiệm, 5K, vaccine, thuốc, công nghệ và các biện pháp khác.
Ông cũng đề cập nhiệm vụ xét nghiệm “thần tốc” nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch.
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất
Để thực hiện chiến lược vaccine, tới nay Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, đạt một số kết quả.
Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phải tiếp cận bình đẳng tất cả loại vaccine. Theo ông, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, các địa phương dành nhiều thời gian để bàn về các giải pháp phòng, chống dịch. Ảnh: VGP.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất.
Đáng lưu ý, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo có thể cắt bớt các quy trình, thủ tục về mặt hành chính nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn.
Ngoài ra, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khi thực hiện phong tỏa cách ly, không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an dân. Địa phương nào không làm được điều này là có lỗi với dân.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh khi thực hiện cách ly, phong tỏa không được để đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động, hàng hóa, lưu thông. Một số nơi đã thực hiện thành công các mô hình như “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, cần tiếp tục hoàn thiện các mô hình này.
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ trong lúc này, phải tập trung ưu tiên số 1 cho chống dịch, vì chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội. Chống dịch không thành công thì gặp khó khăn nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng đồng thời nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới, gồm: Cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa; bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ; giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này; chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét