Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Tiếp lửa, nhân niềm tin từ người lãnh đạo

 Những ngày vừa qua, theo dõi qua báo chí truyền thông, tôi rất ấn tượng và xúc động trước hình ảnh, sự ân cần, sâu sát của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thăm đồng bào nơi vùng đỏ, vùng xanh ở Thủ đô, và khi làm việc với Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội vào cuối tuần qua về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tôi thấy thật ấm lòng, thật đẹp tình cảm của người dân với Chủ tịch nước của chúng ta, cũng như tinh thần “chống dịch như chống giặc” của các chiến sĩ tuyến đầu và người dân đang sát cánh tuyên chiến với Covid-19.

Tiếp lửa, nhân niềm tin từ người lãnh đạo
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các nhân viên y tế làm việc cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Ảnh: TTXVN. 

Trước đây đôi ba lần tôi được gặp người con của quê hương xứ Quảng, giai đoạn đồng chí làm việc ở Văn phòng Chính phủ. Còn từ khi đồng chí đảm trách những cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì tôi chưa được gặp, chỉ được nhìn, được nghe, được đọc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hôm rồi cũng vậy, tại nơi thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, hay ở các phố, phường Chủ tịch nước đến thăm, vẫn giản dị, gần gũi, vẫn cách nói khái quát và cụ thể, vẫn kiểu so sánh giàu hình ảnh, cùng phong thái tự tin, Chủ tịch nước đã làm “nhẹ lòng” người F0, F1, những chiến sĩ, người dân trên tuyến đầu chống dịch.

Chứng kiến những việc làm tự nguyện của người dân phố phường, cách thức tổ chức cách ly, điều trị ở cơ sở thu dung F0, F1, Chủ tịch nước hài lòng, khen ngợi. Dường như niềm tin của Chủ tịch nước, của các chiến sĩ tuyến đầu và người dân như được giao thoa, cộng hưởng, nhân lên bội lần.

Nhớ lại những ngày đầu xuân 2020, khi Covid-19 mới xâm nhập nước ta, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo rất kịp thời trong phòng chống. Sớm nhận biết sự nguy hại của vi-rút SARS-CoV-2, từ truyền thống dân tộc và chính từ thực tiễn phương cách, kinh nghiệm ban đầu chống dịch ở các địa phương, bộ, ngành, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh khái quát xây dựng tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Theo tinh thần đó, chúng ta đã rất thành công, đạt mục tiêu kép cả chống dịch và phát triển kinh tế, được thế giới đánh giá cao, xếp vào tốp đầu Nhà nước có chỉ số tin cậy cao nhất của người dân trong phòng chống dịch.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” càng thể hiện sinh động trong cuộc chiến chống làn sóng Covid-19 thứ tư này.

“Chủ tịch cứ tin tưởng, mỗi chúng em đã nguyện là một chiến sĩ, gia đình chúng em thực sự là một pháo đài chống dịch” – Nghe người dân Hà Nội nói vậy, Chủ tịch nước cảm kích, yên lòng hơn.

Biết mô hình xây dựng “vùng xanh an toàn” “rào phố kháng dịch” của Hà Nội đang phát huy rất tốt, tư tưởng tiến công của Chủ tịch nước là “mở rộng vùng xanh, át nhanh vùng đỏ”, không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn quốc.

Cũng như các chuyến công tác tới các vùng dịch, hay thăm các lực lượng chống dịch trước đó, lần này tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng mãnh liệt vào lực lượng ngành y, bộ đội, công an, để rồi tiếp tục khích tướng, động viên quân thật ý nghĩa.

Với Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ những phẩm chất cao quý, không chỉ trong chống giặc ngoại xâm, mà thời dịch dã này đã và đang được phát huy, thực hiện rất tốt. Chủ tịch nước vô cùng xúc động, ngậm ngùi khi nói về sự hi sinh, vất vả của người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành cho niềm tin yêu như thế, chắc hẳn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng tự hào, để rồi nhân lên sức mạnh, ý chí chiến đấu trong cuộc chiến thời bình mà vô cùng cam go, nguy hiểm.

Với tôi, là một cựu quân nhân, vẫn y nguyên cái cảm giác nâng nâng, trân trọng khi nghe, khi thấy niềm tin yêu đó. Và cùng từ điều ấy mà nghĩ rằng, “chiến tranh nhân dân”, đã được cụ thể hóa trong “chống dịch như chống giặc” luôn đan quyện khăng khít, cả trong chiến tranh và hòa bình, mà Quân đội luôn đảm nhiệm và đảm nhiệm tốt sứ mệnh nòng cốt.

Cũng sáng ấy, tại Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội, khi làm việc với Thành ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành, quận, huyện của Thành phố Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lại có sự liên tưởng, so sánh thú vị giữa phòng chống dịch và bóng đá. “Đường bóng đẹp” của Chủ tịch nước cùng lúc bay đến nhiều “cầu môn” làm không khí buổi làm việc thêm nhẹ nhõm, mọi người (cả trực tiếp và trực tuyến) có thêm tiếng cười khi phải bàn bạc, giải quyết bao công việc phức tạp cả trước mắt và lâu dài.

“Phòng chống dịch phải tổ chức như một trận bóng đá, phải mạnh ở tất cả các tuyến và giữa các tuyến phải gắn kết chặt chẽ” - điều ví von, khái quát ấy của Chủ tịch nước rất sát, rất sinh động khiến mọi người đều tâm đắc, đồng cảm. Hẳn phải là người am hiểu về bóng đá, và những đòi hỏi, yêu cầu về tư tưởng, tổ chức và hành động trong chống dịch mới có liên tưởng rất thời sự và tinh tế này.

Không biết thời trẻ, Chủ tịch nước có ham đá bóng, thường xuyên ra sân cỏ? Còn đam mê, hâm mộ thì rõ rồi. Dẫu rất bận trước bao công việc đại sự quốc gia, nhưng từ trước đến nay Chủ tịch nước vẫn dành thời gian vào sân vận động hoặc xem ti vi để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nước nhà, nhất là với những trận cầu đinh, then chốt. Nhìn Chủ tịch nước trên khán đài xem và cổ vũ bóng đá Việt Nam, tôi nghĩ Chủ tịch còn cổ động cho cả những người xem, cả trực tiếp trong sân và cả qua màn ảnh nhỏ. Chúng ta, nhiều người cũng đã biết từ am hiểu bóng đá, uy lực của trái bóng mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã “dẫn bóng” vào lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại tạo sự cởi mở, thân thiện. Mặt trận chống dịch hiện nay cũng thế, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mặt ở những tâm dịch cả trong Nam, ngoài Bắc là niềm cổ vũ đầy sức mạnh với người bệnh, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và toàn dân ta.

Liên tưởng, so sánh chống dịch với bóng đá, Chủ tịch nước còn chuyển đến chúng ta một thông điệp – thông điệp về tư tưởng và phương châm tác chiến. Nếu như “Chống dịch như chống giặc” là tinh thần, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo; còn phương châm hành động – phương châm tác chiến chống dịch là cách tổ chức lực lượng, vận hành linh hoạt… và quan trọng nhất là tạo được sự đoàn kết, gắn kết chặt giữa các tuyến, ở mọi lực lượng, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương từ cấp độ chiến thuật đến chiến dịch, chiến lược.

Vâng, yêu cầu về tổ chức và xung trận giành chiến thắng cho một trận bóng, đội bóng là phải như vậy. Chủ tịch nước đã gợi mở, định hướng cho chúng ta bao điều từ sự liên tưởng đó. Chúng ta đã và đang thực hiện tốt tư tưởng, tinh thần, phương châm chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc” và phương châm tác chiến mới “Chuyển từ phòng ngự sang tiến công” trên mặt trận chống dịch.

Chuyến thăm đồng bào và làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ diễn ra trong một buổi sáng, mà đầy ắp tình cảm, niềm tin. Những gợi mở, những định hướng của Chủ tịch nước về phòng chống Covid không chỉ với Hà Nội mà đối với cả nước.

“Cuộc chiến chống dịch còn nhiều cam go, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với phương châm tác chiến - tiến công, có sức mạnh đoàn kết toàn dân, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch. Đó là niềm tin của Chủ tịch nước và toàn dân ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét