Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

 

TIN GIẢ, CẦN CẢNH GIÁC VÀ CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG

 "Hiện nay, nhiều người Việt Nam coi các mạng xã hội là kênh chủ yếu để tiếp cận và chia sẻ thông tin hằng ngày. Trong khi đó, chất lượng nguồn thông tin này không được đảm bảo, không có nguồn tin cậy, chưa nói đến vô số những tài khoản ảo đăng tin bịa đặt, tin chống đối, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc cố tình đưa quan điểm cá nhân sai lệch, gây ảnh hưởng tới cá nhân và cả xã hội.

Tình trạng tin giả xuất hiện gần đây trong đó có 3 xu hướng tạo tin giả là:

Một là, những thông tin của một bộ phận thích khoe mẽ, thể hiện “ta đây nhà có điều kiện” nhưng thiếu hiểu biết nên vô tình gây hậu quả tai hại. Kiểu như chuyện cô con gái nói với mẹ muốn về nhà nhưng sợ ra đường bị phạt 3 triệu đồng. Để cô con gái được đi lại thoải mái trong điều kiện giãn cách, người bố là Giám đốc Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận đã ký, đóng dấu lên tờ giấy thông hành, rồi cô gái đã khoe lên mạng xã hội. Hay như cô gái nọ khoe được "ông ngoại" xin cho tiêm vắc-xin không cần đăng ký, được chọn loại vắc-xin để tiêm. Xã hội vốn không lạ với những màn "khoe của", “khoe gia thế”, “khoe có sự nâng đỡ” của những "cậu ấm, cô chiêu". Cũng là chuyện muôn màu trong cuộc sống, chẳng có gì để bàn luận nếu chuyện đó không ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước, hàng chục triệu người đang lao đao, khốn khổ thì sự khoe khoang của hai cô gái kia đã tác động không nhỏ đến tâm lý người dân, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, và các thế lực phản động có thể lợi dụng các sự việc này để kích động.

Hai là, những thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh được đưa lên mạng xã hội nhằm gây hoang mang, tâm lý bất ổn, hoảng loạn trong nhân dân, dẫn đến mất niềm tin vào các chủ trương, đường lối trong công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước. Đây là loại thông tin tuyên truyền, kích động chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Các đối tượng tung tin giả kiểu này thường cắt ghép hình ảnh để xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận, như những hình ảnh rất nhiều thi thể bày la liệt ở đâu đó nhưng lại được ghi chú đó là Bệnh viện Chợ Rẫy. Để “thuyết phục” người dân, chúng tạo ra hình ảnh các tin nhắn của bác sĩ, cán bộ UBND TP. Hồ Chí Minh với nội dung đại loại như: Tình hình TP. Hồ Chí Minh không còn kiểm soát, không khống chế được đại dịch COVID-19; dịch bệnh ở đây không thua Ấn Độ và hai tuần nữa sẽ rất thê thảm.

Ba là, những thông tin xuyên tạc, chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, âm mưu phá hoại đất nước. Trên mạng xã hội đã từng lan truyền dòng trạng thái của một facebooker xuyên tạc phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để đưa ra những thông tin suy diễn vô căn cứ dễ khiến người đọc hoảng sợ như: “dịch bùng ra một cái, chắc chắn Việt Nam sẽ bứt lên Top 1 ngay”; “không có việc Nhà nước lo và ra viện được tặng hoa nữa đâu”; “Hà Nội 11 triệu dân chỉ có khoảng 300 cái (máy thở)”... Nguy hiểm hơn là những thông tin trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây ra những phản ứng tiêu cực trong cộng đồng mạng.

Chống tin giả, cần phải làm gì?

1. Tăng cường kiểm chứng thông tin

Nhiều người Việt Nam hiện nay chưa thực sự có thói quen kiểm chứng thông tin trước khi nhận được. Trong khi đó, ở kỷ nguyên kỹ thuật số này, kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking) là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, kỹ năng phổ thông này chưa được coi trọng ở Việt Nam, cho dù ở nhiều nước phát triển trên thế giới đã đưa vào chương trình đào tạo học sinh phổ thông.

Nên nhớ rằng mạng xã hội là nơi ai cũng có thể đóng vai trò... nhà báo, nhà phân tích nghiệp dư, vì thế người tiếp nhận thông tin phải ít nhất nắm được kỹ năng kiểm tra xem thông tin lấy từ nguồn nào (ví dụ như tác giả ghi nguồn từ báo khác thì cần kiểm tra xem nguồn đó đáng tin cậy hay không - đó có phải là báo có uy tín đã đưa tin này chưa).

2. Tiếp theo, cũng nên xem động cơ đưa tin của người dùng mạng xã hội đó thế nào. Liệu họ có phải là người thích sự chú ý, thích câu view, hay họ bán hàng online? Nếu đúng thế thì càng phải thận trọng, không nên tin và tiếp tục chia sẻ cho người khác nếu như chưa kiểm chứng cẩn thận.

Về phía cơ quan chức năng cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể để hạn chế, chấm dứt các thể loại tin đồn nhảm. Một mặt, cần có các biện pháp giáo dục cũng như nâng cao chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhất là đối với những tin đồn làm gia tăng nỗi hoang mang trong thời điểm đang có thiên tai.

3. Khi thấy xuất hiện các thông tin mang tính giật gân, dễ gây hiểu nhầm chúng ta cần phải xem rõ nguồn tin do ai cung cấp, các địa chỉ có cụ thể, sự việc có đúng thời gian, địa điểm ở Việt Nam hay không?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét