Anh hùng Trương Định (Trương Công Định) sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Gia Định Trương Cầm.
Trong "Lãnh binh Trương Định truyện, Nguyễn Thông (một anh hùng cứu nước thời đó) đã viết: Trương Định là người có dáng mạo khôi ngô. Do là con nhà võ quan nên Trương Định thông hiểu binh thư, võ nghệ.
Năm 1844, ông theo cha vào Nam. Sau đó hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Nguyễn, ồn chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở đất Gò Công.
Khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng vì không chiếm được 'yết hầu' của triều đình Huế, chúng kéo quân vào Gia Định tháng 2 năm Kỷ Mùi (1859) hòng chiếm "vựa lúa", cắt nguồn lương thực. Khi thấy kẻ thù xâm lăng, Trương Định mang cơ binh của đồn điền mình đến gia nhập đội quân của triều đình để chống giặc.
Chính sử Đại Nam thực lục có chép: "Phó quản cơ Gia Định là Trương Định (người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con viên Lãnh binh Trương Cầm) chiêu mộ những thủ dõng, có nhiều người đi theo, thường cùng quân Tây dương chống đánh nhau đắc lực. Thự Tuần phủ là Đỗ Quang đem việc tâu lên. Vua cất nhắc cho làm Quản cơ, rồi lĩnh chức Phó Lãnh binh. (Khi ấy Đỗ Quang chiêu vỗ Trương Định mộ thành 6 cơ, gần hơn 6.000 người)”.
Trương Định vốn được dân tin yêu nên được kiêm làm đầu mục quân mộ nghĩa ở Gia Định. Ông “đóng đồn ở xứ Gò Thượng (thuộc huyện Tân Hòa) thường ra đánh úp quân Tây dương. Nghĩa sĩ nhiều người đi theo”. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã giành nhiều thắng lợi.
Lúc bấy giờ, đối với việc đánh Pháp, triều đình Huế chia thành 2 phe: chủ chiến và chủ hòa. Đến tháng 6/1862, triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất, cắt cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Triều đình lệnh Trương Định giải tán nghĩa quân.
Về việc này, chính sử chép: "Từ khi hòa ước đã thành, thông dụ cho Nam kỳ nghỉ quân, đổi Trương Định về Phú Yên. Khi ấy những người ứng nghĩa ở Gia Định, Định Tường, Biên Hòa không chịu theo, tụ họp đoàn kết, sau tôn Trương Định làm người đại đầu mục, tâu bày xin ra đánh giặc. Đình thần cho rằng việc miền Bắc đang khẩn mà việc miền Nam chưa có cơ hội. Lại sai Phan Thanh Giản đi hiểu dụ. Trương Định lâu không đến nhận chức, bèn cách chức hàm”.
Nhưng thực tế lòng dân vẫn quyết đánh Pháp nên đã suy tôn anh hùng Trương Định làm đại đầu mục, là Bình Tây đại nguyên soái thống lĩnh nghĩa quân đánh giặc. Vì nhân dân, ông kháng lệnh vua Tự Đức, không nghe theo lời hiểu dụ của Phan Thanh Giản và ở lại đất Gò Công cùng nhân dân chống quân Pháp.
Dù không theo lệnh vua triệt binh thi hành Hòa ước nhưng hành động của Trương Định cũng bởi vì nước nên theo Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp "Triều đình vẫn ngầm giúp đỡ ông và bí mật đưa sắc vào phong cho ông với chức mà dân chúng đã tôn lên, mặc dù mặt ngoài thì công khai cách hết mọi chức tước".
Danh tiếng của Trương Định vang dậy khắp đất Nam Kỳ lục tỉnh. Mỗi chiến thắng của nghĩa binh lại làm nức lòng đồng bào. Cụ Đồ Chiểu trong bài thơ liên hoàn (12 bài) "Khóc Trương Định" đã khen rằng:
Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn.
Dấu đạn hỡi rêm tầu xích diện,
Hơi gươm thêm rạng vẻ Hoàng môn.
Trong Cận đại Việt sử diễn ca đã ngợi ca ông là:
Dân Gò tiết nghĩa rạng ngời,
Tướng Trương Công Định gồm tài lược thao.
Viết về những chiến quân oanh liệt của nghĩa quân Trương Định, trong công trình Khởi nghĩa Trương Định đã có thống kê chi tiết. Tỉ như: trận tấn công Chợ Lớn (đêm 6/4/1862); cuộc tập kích đồn Rạch Tra, Bến Lức, vây đồn Phước Hòa cuối năm Nhâm Tuất (1862)… phục kích toán quân của Tiểu đoàn trưởng Coquet; bẻ gãy cuộc tấn công của địch vào căn cứ Gò Công… đầu năm Quý Hợi (1863)… Hoạt động của nghĩa quân làm nức lòng dân chúng, còn thực dân Pháp và tay sai, thì bao phen "thất điên, bát đảo".
"Thi văn quốc cấm thời Pháp" có ghi chép: Ngày 19/8/1864 (dương lịch), Trương Định cùng 30 chiến sĩ tâm phúc về làng Gia Thuận ở bên sông Vàm Láng để quan sát địa hình địa vật "thì bị tên phản tặc Huỳnh Công Tấn (tức Lãnh binh Tấn) nửa đêm đem quân Pháp về mai phục dưới bãi cỏ để đợi trời hừng sáng nổ súng".
Khi hai bên giáp trận cực chiến quyết liệt, vị chủ tướng Trương Định "bị một viên đạn trúng giữa xương sống và thác liền tại trận. Năm ấy mới 44 tuổi". Nhưng trong "Lãnh binh Trương Định truyện", Nguyễn Thông cho biết đoạn kết của vị tướng anh hùng là "Tấn lén sai người đầu thú với giặc, dẫn binh phục kích, Định bị thương, rút dao đeo bên người tự vẫn chết".
Trong bài "Nén hương hoài cổ Trương Định" đăng nơi tập san Sử Địa, số chuyên đề "Đặc khảo về Trương Công Định" ta được biết rằng theo ghi chép trong "Les premières années de la Cochinchine" của P. Vial, người trực tiếp coi mặt Trương Định khi chết, đã miêu tả trận giao phong: "Lúc bấy giờ Tấn chĩa súng sáu bắn ngay Định và hô lớn cho các mã tà bảo nhả đạn, mặc dầu Tấn có ý bắt sống. Một viên đạn trúng đích, Định bị gãy xương sống té xuống đất. Năm thây chết trong số đó có Quản Định". Vậy là:
Tiếng xưa Đám lá tối trời,
Có ông Trương Định trãi phơi gan vàng.
Cái chết của anh hùng họ Trương gây niềm xúc cảm lớn lao khắp nơi miền Nam Kỳ lục tỉnh. Cụ Đồ Chiểu viết "Điếu Trương tướng quân văn", có câu thương tiếc khóc than bi ai:
"Ôi!
Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp thuở gian truân;
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử mắc nơi họa hại.
Xưa còn làm tướng, dốc rạng giồi hai chữ bình Tây;
Nay thác về thần, xin vâng hộ một câu phục thái".
Dẫu thân tan vào lòng đất mẹ, nhưng sự ngưỡng vọng của dân đối với anh hùng họ Trương thì mãi còn đó.
Trong "Gò Công xưa" cho biết, khi Trương Định chết, được chôn cất, mộ ông được xây cất giáp năm Giáp Tý (864) bằng đá ong trộn nước ô dước. Nơi bia mộ ghi: "Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định chi mộ".
Khi người Pháp biết chuyện này đã cho phá bia đi. Nhưng một thời gian sau bia lại được sửa lại, khắc lên dòng chữ: "Đại Nam, Phấn dõng Đại trướng quân quy tặng Ngũ quân quận công". Lăng mộ ông nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, quanh năm được hương khói phụng thờ.
Các quan sĩ Pháp dù ở phía bên kia chiến tuyến, coi anh Hùng Trương Định là giặc nhưng đa phần đều thán phục tài năng của ông. J. Silvestre có lời khen: "Ông ta là một người thông minh, lanh lợi, can đảm và bất khuất; ông ta được thúc đẩy bởi sự thù ghét người ngoại quốc cũng như bởi lòng trung thành với nước An Nam".
Còn theo Châu bản triều Nguyễn, sau khi Trương Định chết, vua Tự Đức nghĩ tới tấm lòng trung nghĩa của Trương Định nên đã không trách tội kháng mệnh vua mà còn dành nhiều ưu ái đối với vợ con ông.
Năm Tự Đức thứ 27(1874), vợ Trương Định là Nguyễn Thị Thưởng được chỉ chuẩn cho “cấp mỗi tháng 20 quan tiền, 2 phương gạo, hết đời thì thôi”. Năm Tự Đức thứ 31 (1878), các quan tỉnh Quảng Ngãi là Lãnh Bố chánh sứ Đoàn Dao, Lãnh Án sát sứ Ngô Trọng Tố dâng tấu xin ban cấp năm mẫu ruộng cho người kế tự để thờ cúng.
Sau đó, bản tấu ngày 24/3 năm Tự Đức 33 (1880) của Viện Cơ mật, Thương bạc khẳng định rõ việc cấp cho Văn Hổ năm mẫu ruộng để lo thờ cúng Trương Định. Đến năm Tự Đức thứ 34 (1881), nhà vua cho lập đền thờ Trương Định ở xã Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi để tỏ lòng thương xót người trung nghĩa. Đại Nam thực lục chép: “Làm đền thờ viên Lãnh binh đã chết tỉnh An Giang là Trương Định. Vua thương Định là người trung, năm trước đã cấp cho năm mẫu ruộng thờ cúng, đến nay lại sai làm đền ở xã Tư Cung, tỉnh Quảng Ngãi để thờ”.
Anh hùng Trương Định là một người kháng lệnh vua nhưng ông không bị trách tội. Thậm chí vợ con còn nhận được sự ưu ái, sau đó còn được cấp tự điền và lập đền thờ trên quê hương. Tất cả những điều này đủ cho chúng ta thấy vua Tự Đức đã rất coi trọng và dành nhiều ưu hậu đối với vị tướng trung nghĩa một lòng vì dân vì nước này. Và, cho dù cuộc khởi nghĩa của Trương Định chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng tấm lòng trung nghĩa với mảnh đất Gò Công, tấc lòng son với nhân dân mãi là một tấm gương cho hậu thế.
(ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét