Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021
TỪ CHIẾN SỸ LIÊN LẠC TRỞ THÀNH VỊ TƯỚNG
Nhắc tới anh hùng LLVT Nguyễn Như Hoạt, người ta vận câu: “Thời thế tạo anh hùng” để giải thích trường hợp “bạo gan” chiến đấu của anh. Song Nguyễn Như Hoạt chỉ nhận “Trận chiến ấy tôi không làm thay Cán bộ Đại đội thì tất cả cùng hi sinh mà trận địa bị mất”. Nguyễn Như Hoạt ngoài đức tính thông minh, dũng cảm còn là người rất khiêm nhường; Rất ít khi anh kể về chiến công của mình. Thường là những người trong cuộc kể lại; vì vậy viết về chiến công của anh, Tôi-NST- dù cùng trong Sư đoàn Đồng Bằng- cũng phải tìm trong tư liệu của phòng Truyền thống đơn vị. ngoài ra có dựa vào bài viết của nhà báo Nguyễn Khắc Nguyệt để đối chiếu tư liệu. Có điều các tư liệu,bài viết về Nguyễn Như Hoạt chưa nói hết tính cách của người anh hùng chân chất giản dị và rất khiêm nhường này. Tôi nhớ lần về dự ngày truyền thống “Đoàn Đồng Bằng” ở Bỉm Sơn, Nguyễn Như Hoạt vẫn gọi tôi là anh xưng em. Lần ấy (khoảng năm 1985) Như Hoạt đã là Sư đoàn trưởng 1 sư đoàn chủ lực (sư đoàn Sao Vàng), nhưng gặp 1 số đ/c cán bộ tiểu đoàn hay Trung đoàn cũ, Như Hoạt vẫn gọi “thủ trưởng” và xưng em ngọt sớt rất tự nhiên như ngày anh còn là chiến sĩ đơn vị E48 cũ. Khoảng năm 1998, tôi đã chuyển ngành về sở Y tế Bắc Thái có gặp Như Hoạt, khi ấy anh đã là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu, anh dự cuộc diễn tập “phòng thủ khu vực” của tỉnh Bắc Thái; Như Hoạt vẫn phong cách giản dị khiêm nhường. Tuy nhiên, anh tỏ ra rất bản lĩnh quyết đoán khi thông qua “Kế hoạch phòng thủ của Bắc Thái” . Trong khi 1 số CB quân khu còn vặn vẹo địa phương thì anh ủng hộ những ý tưởng mạnh dạn của tỉnh. Tôi không nói là người cũ của Đoàn Đồng bằng nhưng Như Hoạt vẫn nhận ra. Vì tôi có tên “cúng cơm” trùng với tên anh, và em trai tôi đúng bằng tuổi anh (sinh năm Dần- 1950). Chi tiết về chiến công của Nguyễn Như Hoạt xin bạn đọc phần tiếp dưới đây:
* Theo các tài liệu ghi chép được biết, Nguyễn Như Hoạt sinh đúng ngày Quốc khánh (2/9/1950), quê tại thôn An trụ, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Khi mới 17 tuổi, anh đã nhập ngũ lên đường đánh Mỹ (2 /1967);Sau thời gian huấn luyện, Hoạt được điều về Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A (Đoàn Đồng Bắng)
- Cuối năm 1967, Sư đoàn 320A chiến đấu trên cánh Đông của Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Địa bàn tác chiến chủ yếu ở phía đông Quảng Trị với nhiệm vụ chủ yếu là ngăn chặn con đường tiếp vận từ cảng Cửa Việt lên Khe Sanh, phối hợp với chiến trường chính ở Khe Sanh.
- Giáp Tết Mậu Thân 1968, đơn vị của Hoạt nhận lệnh cơ động vượt sông Bến Hải vào chuẩn bị tham gia trận tiến công chi khu quân sự Cam Lộ. Vị trí tập kết của đại đội anh tại "Đồi không tên" dưới chân núi Cù Đinh .Dù chỉ là một chiến sĩ mới chưa đầy 1 tuổi quân nhưng với tính cách nhanh nhen tháo vát, Hoạt được BCH đại đội chọn làm liên lạc.
- Chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt đã phát huy khả năng của mình giúp cho các đồng chí trong BCH đại đội hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy đơn vị trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
*Trận đánh để đời, chiến sĩ liên lạc "bạo gan" chỉ huy đại đội
* Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công Mậu Thân của ta, quân Mỹ đã tăng cường lực lượng rất mạnh tới cụm cứ điểm Khe Sanh. Sư đoàn 320A vẫn tiếp tục chiến đấu ở cánh Đông của Quảng Trị với nhiệm vụ tiêu diệt địch và ngăn chặn sự tiếp tế của Mỹ lên căn cứ Khe Sanh. Trong đó Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 có nhiệm vụ phối hợp đánh chặn đường vận tải thủy của quân Mỹ từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà.
Tiểu đoàn 3 (E48) là lực lượng cơ động, thực hiện chiến thuật "vận động tiến công kết hợp chốt", sẵn sàng đánh địch để hỗ trợ, bảo vệ các chốt của Trung đoàn 52.
- Sở chỉ huy tiểu đoàn 3 ở Vinh Quang Thượng, Đại đội 9 của Nguyễn Như Hoạt bố trí ở xóm Đồng Hoang. Khoảng cách từ đó đến các chốt tiền tiêu dao động từ 2,5 đến 4 km.
- Trong các ngày 1 và 2 tháng 5/1968, các đơn vị này đã thực hiện đúng ý định của trên, bắn cháy 4 tàu, bắn bị thương 2 tàu, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn LTĐB, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ trong đó có một Trung tá Tiểu đoàn trưởng.
- Trong trận đánh ngày 2/5, Chính trị viên Đại đội 9 Lê Xuân Thu bị thương nặng phải về tuyến sau điều trị. Chỉ huy đại đội bấy giờ là Quyền đại đội trưởng Nguyễn Văn Yêm.
- Ngày 5 tháng 5, một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến (LTĐB) Mỹ với sự chi viện của máy bay, xe tăng mở cuộc tiến công vào xóm Đồng Hoang, nơi Đại đội 9 của Nguyễn Như Hoạt đứng chân.
Sau một trận pháo kích dữ dội từ Hạm đội 7 và các trận địa pháo xung quanh dội vào trận địa ta, 9 giờ sáng trận tiến công của Mỹ vào Đồng Hoang bắt đầu. Được sự chi viện của hỏa lực xe tăng, hàng trăm tên LTĐB Mỹ hùng hổ tiến vào xóm Đồng Hoang những tưởng như vào chỗ không người. Tuy nhiên, chúng không thể ngờ sau trận pháo kích dữ dội kéo dài hàng tiếng đồng hồ, những người lính của Đại đội 9 vẫn đứng vững và đã chặn đứng cuộc tiến công của chúng.
Dưới sự chỉ huy của quyền đại đội trưởng Nguyễn Văn Yêm, cán bộ chiến sĩ Đại đội 9 đã bắn cháy 1 xe tăng, 1 xe bọc thép M113, tiêu diệt hàng chục tên địch buộc chúng phải lui lại củng cố đội hình.
Sau một thời gian xốc lại đội hình và dùng hỏa lực của xe tăng bắn trực tiếp vào tiền duyên phòng ngự, quân Mỹ bắt đầu đợt tiến công thứ hai. Đại đội 9 vẫn chiến đấu ngoan cường, bắn cháy thêm 2 xe tăng và xe bọc thép, hàng chục tên LTĐB nữa bị diệt buộc chúng phải dừng lại lần nữa.
- Tuy nhiên về phía Đại đội 9 cũng có những tổn thất nặng nề. Quyền đại đội trưởng Yêm hy sinh, các cán bộ trung đội người hy sinh, người thì bị thương nặng. Toàn đại đội chỉ còn khoảng 20 tay súng. Trong khi đó, quân địch lại tiếp tục dùng hỏa lực đánh mạnh vào trận địa của đại đội và khu vực xung quanh. Đồng thời, hàng chục chiếc trực thăng liên tục đáp xuống bổ sung thêm 1 Tiểu đoàn kỵ binh bay vào lực lượng tiến công. Trong khi đó, tại Đại đội 9 của ta, các sĩ quan chỉ huy đã hy sinh và bị thương hết.
- Tình thế hết sức cấp bách, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt trong quá trình chuẩn bị chiến đấu luôn đi sát các cán bộ đại đội đã nắm được phương án chiến đấu nên một mặt đứng ra chỉ huy đơn vị chiến đấu, một mặt gọi điện báo cáo cấp trên và xin chi viện. Các mật khẩu, mật lệnh qua điện thoại thì Như Hoạt đã nhớ chính xác.
- Khi quân địch đột nhập được vào hướng phòng ngự của Trung đội 3, Hoạt chỉ huy các chiến sĩ nuôi quân, thông tin của "xê bộ" ra tăng cường phản kích, đồng thời cho Trung đội 2 xuất kích đánh vào sườn quân địch. Đợt tiến công thứ ba của địch bị chặn đứng, toàn bộ thương binh được bảo vệ an toàn.
- Sau khi củng cố lực lượng, quân Mỹ tổ chức tiến công lần thứ tư. Hoạt chỉ huy đại đội bám từng tấc đất giữ vững trận địa. Trong lúc đó, Đại đội 10 và Đại đội 11 đã cơ động đến yểm trợ, đánh vào phía sau và bên sườn mũi tấn công của Mỹ .
- Giữa lúc quân Mỹ đang lúng túng đối phó, Hoạt cho đại đội xuất kích đánh vỗ mặt quân địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt. Từng nhóm nhỏ chiến sĩ ta đánh quần lộn với quân Mỹ trên cánh đồng lúa chín. Hai chiếc trực thăng bị bắn cháy, lửa từ xác hai chiếc máy bay lan ra cánh đồng lúa đang chín làm khói lửa ngút trời.
Khiếp sợ trước tinh thần dũng cảm của bộ đội ta, quân Mỹ buộc phải rút lui để lại trận địa gần chục xác xe tăng, xe thiết giáp, 2 máy bay trực thăng đang rừng rực cháy cùng hàng chục xác lính.
- Sau trận đánh, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và bổ nhiệm chức vụ trung đội trưởng. Năm 1970, Nguyễn Như Hoạt được tuyên dương Anh hùng LLVTND khi mới tròn 20 tuổi.
* Sau hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, Nguyễn Như Hoạt nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng, trước đó anh là Giám đốc Học viện Quốc phòng.
- Xóm Đồng Hoang - nơi diễn ra trận kịch chiến đã được tỉnh Quảng Trị công nhận là Di tích lịch sử kháng chiến.
- Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ trận đánh đặc biệt ấy nhưng câu chuyện người chiến sĩ liên lạc "bạo gan" chỉ huy đại đội chiến đấu đánh bại 2 tiểu đoàn quân Mỹ vẫn được ghi vào lịch sử “Truyền thống Sư đoàn 320” và lưu truyền như một huyền thoại về những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
( Theo TL “Truyền thống Sư đoàn 320” và bài viết của Nguyễn Khắc Nguyệt)
(ST)vxvn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét